Đối với những người học Phật thì Nghiệp là điều mà bất kể Phật tử nào cũng biết và luôn cố gắng tạo những điều tốt diệt trừ điều xấu
Người học Phật khi gặp nghịch cảnh thường lý giải rằng: Do nghiệp ác trong quá khứ trổ quả nên giờ phải chịu quả báo. Lý giải này rất đúng theo những gì đức Phật đã nói, tuy nhiên nếu lạm dụng cách nhìn nhận này thì chúng ta sẽ không thể làm chủ được cuộc đời mình.
Người thành công là người nhận hết mọi trách nhiệm về bản thân, không đi đổ lỗi cho hoàn cảnh. Việc đổ lỗi cho nghiệp mà không chịu nhìn chính mình là một sai lầm.
Một gia đình với những đứa con hư hỏng bất hiếu, đừng đổ lỗi do nghiệp. Chính cách dạy con của cha mẹ khiến đứa con như vậy. Những con người hư hỏng, những tên tội phạm đa số xuất thân từ các gia đình không hạnh phúc, thiếu sự giáo dục của cha mẹ từ nhỏ.
Ở đời chúng ta luôn sợ gánh nghiệp cho bản thân chính vì vậy chúng ta cần tu rèn đạo đức, ăn ở sao có phúc sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp.
Có những người mãi không bao giờ giàu, đừng đổ lỗi do nghiệp. Muốn hết nghèo việc làm phước bố thí không chưa đủ, mà phải phấn đấu nỗ lực vươn lên trong sự nghiệp nữa. Nếu chỉ hi vọng những điều này sẽ tạo ra thiện nghiệp giúp thay đổi số phận thì chả khác gì giao phó tương lai của mình cho một sức mạnh vô hình nào đó. Trong tư duy của người giàu và người nghèo rất khác nhau, muốn giàu thì phải có kiến thức kinh tế, phải học cách tư duy như một người thành đạt.
Trong những điều mà đức Phật dạy chúng sinh thì chữ Tâm và chữ Đức được đề cao, đó là Phật pháp nhiệm màu mà chúng ta nên học
Sinh ra không lành lặn, đó là một bất hạnh, tuy nhiên làm gì với nỗi bất hạnh đó mới là quan trọng. Có những người mãi chấp nhận sự thua thiệt đó và đổ tại nghiệp, nhưng cũng có người vươn lên làm chủ số phận của mình…
Nếu như người bình thường đổ thừa tại số phận thì nhiều người phật tử lại đổ thừa do nghiệp. Chính sự đổ thừa này tước đi quyền làm chủ của mỗi người và khiến cho nhiều người nhìn vào Phật giáo như một tôn giáo mê tín, tin vào sự an bài của một khái niệm thần thánh nào đó. Chỉ khi thôi đổ thừa và tự nhận hết trách nhiệm về bản thân mình, khi đó chúng ta mới tự quyết định được cuộc đời của mình.
Bạn có quyền nhìn nhận mọi vấn đề theo nghiệp, nhưng đừng lấy nghiệp ra để bao che cho sự yếu kém của bản thân.
Namo Buddhaya
Bài viết: “Đừng đổ thừa tất cả cho nghiệp”
Thích Tánh Tuệ/ Vườn hoa Phật giáo