Tôn giả thấy mẹ đang ở chốn địa ngục, ốm yếu gầy còm và vô cùng đói khát. Tôn giả đem một bát cơm đến dâng lên mẹ là bà Thanh Đề, mừng quá bà dùng tay trái che bát và tay phải bốc cơm đưa vào miệng. Nhưng than ôi! Cơm thành than đỏ, bà không thể nào ăn được. Mục Kiền Liên rơi nước mắt lòng buồn vô hạn, vận dụng đủ mọi phương tiện để cứu mẹ nhưng không có kết quả.
Lễ Vu Lan báo hiếu
Trở về bạch sự tình và hỏi lý do, Đức Phật nói: “Mục Kiền Liên! Lúc sinh tiền mẹ ông đã hủy báng Phật pháp, chửi mắng chư tăng, không tin nhân quả luân hồi. Đặc biệt bà rất bỏn xẻn, chẳng bao giờ bà bố thí cho ai, kể cả bố thí cho con kiến một hạt gạo.
Từ đó sau khi chết bà phải chịu các quả báo như thế. Ông tuy là người con hiếu đạo, muốn đền đáp thâm ân nhưng sức của cá nhân có hạn, dù có thần thông một mình ông cũng không thể giải cứu nghiệp lực của bà Thanh Đề. Ông hãy đợi đến ngày rằm tháng bảy, ngày chư tăng mãn hạ thiết lễ Vu Lan nhờ chư tăng chú nguyện, mẹ ông mới thoát khỏi cảnh địa ngục.”
Theo như lời Phật dạy, ngày rằm tháng bảy, Tôn giả sắm sửa vật thực, dâng cúng mười phương tăng và nhờ thần lực của chư tăng chú nguyện. Quả như vậy, với đạo nghiệp tấn tu ba tháng, chư tăng không những giúp cho bà Thanh Đề, mà nhiều người khác trong ngày đó cũng thoát khỏi địa ngục.
Kinh Vu Lan và ngày Lễ Vu Lan còn gọi là ngày rằm xá tội vong nhân có từ đó. Vu Lan Bồn có nghĩa là mở sợi dây treo ngược cho người có tội, Trung Quốc còn gọi là “Giải đảo huyền”.
Mục Kiền Liên nạn vong
Vào thời Đức Phật, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai cánh tay đắc lực của Phật, đã làm cho ngoại đạo phải kính sợ. Xá Lợi Phất dùng trí huệ biện tài chinh phục ngoại đạo, với dũng khí kiên cường năng động; Mục Kiền Liên dùng thần thông lấn lướt hàng ngoại đạo, bởi thế ngoại đạo rất oán ghét tôn giả và luôn tìm cơ hội bức hại.
Một hôm trên đường đi khất thực tại thành Thất La Phiệt cùng với hai môn đệ là Mã Túc và Mãn Túc, Mục Kiền Liên đã bị bọn ngoại đạo vây đánh. Vì bất ngờ và quá đông, tôn giả bị trận đòn hội đồng mà vong mạng. Sau khi hỏa táng Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Mã Túc và Mãn Túc đã đem hài cốt của Mục Kiền Liên về trình Phật.
Đức Phật tập họp chúng tỳ kheo lại và dạy: “Này các vị Tỳ kheo! Hãy chiêm ngưỡng hài cốt của Mục Kiền Liên. Đã mang sắc thân chắc chắn còn nghiệp phải trả, nhục thể phải chịu luật vô thường, do đó sinh tử trả nghiệp là chuyện thường tình, không có gì phải hoang mang lo sợ, khi xả báo thân con người cần giữ tâm hồn không nên mê muội, oán thù, sân giận, trong các nghiệp thì cận tử nghiệp là nghiệp nặng nhất.
Mục Kiền Liên vì tuyên dương giáo pháp mà phải tử nạn đó là một vinh dự, đáng cho tất cả noi gương. Người chiến sĩ phải da ngựa bọc thây, mới xứng đáng là chiến sĩ anh hùng. Chúng ta hãy xây tháp tôn thờ hài cốt của Mục Kiền Liên.
Hài cốt của tôn giả và hài cốt của Xá Lợi Phất đều được tôn thờ và giữ gìn nguyên vẹn. Khi đến chiếm Ấn Độ, người Anh đã thỉnh hai hài cốt này về trưng bày tại Viện bảo tàng Luân Đôn. Năm 1947, sau khi Ấn Độ được độc lập, chính phủ Anh đã hoàn trả hài cốt của hai tôn giả lại cho chính phủ Ấn.
Sinh nghề tử nghiệp
Đúng là sinh nghề tử nghiệp! Suốt cả cuộc đời hành đạo Mục Kiền Liên đã dùng thần thông làm phương tiện. Bởi thế trong hàng tứ chúng, tôn giả được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất, nhưng vì có thần thông mà bị hàng ngoại đạo oán thù và đánh ngài đến tử thương, đó là nghiệp lực còn tồn tại ngài phải trả để vào vô dư Niết Bàn.
Sức thần thông của ngài vẫn không cưỡng lại được nghiệp lực hữu dư, còn thân ngũ ấm là còn nghiệp lực phải trả. Người đạo sĩ hơn kẻ thường tình là mỉm cười trước cái chết không oán hờn, than khóc, tiếc nuối, mê mờ; trước mọi biến thiên của cuộc đời, tâm an tịnh là đạt Niết Bàn.
Thần thông không phải là một phép huyền bí, đó là một năng lực vô biên sẵn có trong mỗi con người. Khi sáu giác quan của con người được tập luyện phát triển đến chỗ ưu việt, tức là có lục thông.
Xưa có một người khách bộ hành đi qua một khu rừng có nhiều cọp dữ, chiều hôm đó dù trời chưa tối hẳn nhưng cọp đã ra đường mòn. Thấy cọp, khiếp quá người lữ hành nhảy lên cành của một cây cổ thụ cao. Khi cọp đi rồi, người lữ khách không sao xuống được, vì thân cây quá lớn lại cao, cành cây cách mặt đất hơn cả chục thước.
Mãi đến sáng hôm sau có người đi qua, người lữ khách mới nhờ khách bộ hành bắt sào cho anh ta tụt xuống. Khách bộ hành hỏi lý do tại sao cành cây cao thế mà anh lại nhảy lên được, người lữ khách bảo là “không hiểu được, khi thấy cọp tôi nhảy lên, không ngờ lại lên được cành cây cao. Khi cọp đi rồi tôi hết sợ lại không nhảy xuống được”.
Đó là một điều lạ không thể giải thích được, nếu với thời xưa người ta cho là thần linh phù hộ. Thât ra không phải thế, theo đạo Phật đó là khả năng vô biên tiềm ẩn trong mỗi con người, có điều với người tu luyện thì khả năng đó phát triển và luôn luôn sử dụng được, còn người bình thường khả năng đó chỉ bộc phát một lần thôi.
Người có luyện tập võ nghệ có thể nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác được, đó cũng là do họ có triển khai được một phần nào các khả năng tiềm ẩn vô biên đó. Còn người mộng du nhảy hoặc leo tường không cần thang, nhưng chỉ làm được trong lúc mộng du mà thôi.
Từ thực tế đó cho thấy thần thông không có gì là huyền bí, nhưng Phật không cho các tỳ kheo tu luyện, vì ngại tỳ kheo chọn phương tiện làm cứu cánh. Hơn nữa người không có phẩm hạnh cao, sẽ sử dụng thần thông vào việc bất chính trở ngại cho con đường giải thoát sinh tử luân hồi.
Qua đạo nghiệp của Mục Kiền Liên, còn có vấn đề tại sao bà Thanh Đề phải nhờ sức chú nguyện của chư tăng mới siêu thoát? Đây cũng không phải là vấn đề huyền bí, thần quyền trái luật nhân quả.
Theo Phật giáo, cốt lõi là trí tuệ giải thoát chứ không phải là đức tin thần bí, thần quyền. Tất cả mọi vấn đề đều tùy thuộc vào thuyết duyên sinh, luật nhân quả. Bàn về vấn đề này, Hòa thượng Thích Thiện Siêu có viết:
“Luật nhân quả nằm trong luật nhân duyên, đã là nhân duyên thì dù nhân dù quả đều luôn luôn thay đổi. Nếu một người đã tạo nhân xấu, nhưng may gặp được duyên tốt của Phật lực, pháp lực, tăng lực, thời các nhân xấu của họ cũng thay đổi, hoặc được siêu thoát hoặc bớt chịu khổ hơn, như cái cây đã héo gặp khí mát thổi tới mà được tươi trở lại. Trong Phật giáo sự tạo nghiệp và chuyển nghiệp luôn luôn đi liền với nhau.”
Nhìn chung con người và đạo nghiệp của Mục Kiền Liên có hai điểm ưu việt, đó là dũng khí và hiếu hạnh. Chúng ta nên noi theo gương tôn giả để trở thành con người biết đền đáp bốn ân, noi theo chí khí của tôn giả để giữ vững niềm tin. Tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tự tin để vượt khó khăn trên con đường thực hiện giới, định, huệ và phụng sự đạo pháp, làm lợi cho gia đình, xã hội và nhân loại…