Vị trí đặt hũ gạo
– Không đặt hũ/thùng gạo ở hai hướng: Đông và Đông Nam
Phong thủy xưa kia quan niệm rằng hũ gạo thuộc hành Thổ bởi cây lúa cho gạo được trồng lên từ đất, đất là Thổ. Tuy nhiên, hướng Đông và Đông Nam lại thuộc Mộc, mà Mộc khắc Thổ, nên không thể đặt hũ gạo ở hai hướng này dù nhà có chật chội thế nào đi chăng nữa.
Đặt ở hướng Đông và Đông Nam, gia chủ sẽ gặp nhiều trắc trở, vận xui, công việc không thuận lợi. Tốt nhất nên đặt hũ gạo ở hai hướng Tây hoặc Đông Bắc vì đây chính là hướng của hành Thổ.
– Hũ/thùng gạo phải được để “2 kín”: Đậy kín, để nơi kín
Chưa nói đến khía cạnh phong thủy, ngay trên thực tế, nên đặt hũ gạo ở những nơi sạch sẽ, cao hơn mặt đất, đậy kín để tránh bụi bẩn, chuột gián, ẩm mốc có thể “tấn công” làm gạo nhanh hỏng, không tốt cho sức khỏe.
Trong phong thủy, Người Á đông quan niệm rằng việc kê cao hũ gạo sẽ thể hiện sự quý trọng và bảo vệ tài lộc của gia đình. Hũ gạo chính là cái kho cất giữ tài lộc thịnh vượng của gia đình, bởi vậy ngoài việc kê cao, còn phải cất ở nơi kín đáo, nhất định không nên để người lại nhìn thấy ngay khi bước vào cửa. Tốt nhất nên đặt hũ gạo ở một vị trí khuất nhưng dễ lấy ở trong bếp.
– Không nên dùng thùng/hũ nhựa để đựng gạo
Dùng thùng/hũ nhựa để đựng gạo về lâu dài sẽ không tốt cho sức khỏe, hơn thế theo phong thủy, gia chủ sẽ kém may mắn nếu dùng hũ nhựa. Nên dùng hũ bằng gốm sứ, gỗ hay đất sét bởi năng lượng từ gạo sẽ được phát ra bền vững, mang lại nhiều tài lộc cho gia chủ.
– Tuyệt đối không để hũ/thùng hết gạo
Việc để thùng/hũ gạo hết sạch sẽ chẳng khác nào thể hiện rằng gia đình đang mất đi tài lộc, thịnh vượng bởi theo phong thủy, hũ gạo là vật chứa đựng mang ý nghĩa tốt lành, vận may nên không được để trống rỗng.
Tốt nhất, nên đổ đầy hũ gạo khi chỉ còn một nửa cho chắc ăn và nên dùng hũ gạo sâu (tượng trưng cho sự no đủ) để luôn giữ vận may trong nhà và tránh những điều xui xẻo không đáng có. Thêm một điều nữa, không nên để ai đổ sạch hũ gạo đi, vì đây là điều kị trong phong thủy.
*Thông tin trong bài mang tính tham khảo, chiêm nghiệm