Câu chuyện về ngọn tháp thiêng từ trước đến nay không một ai có thể lấy được kho báu, nhiều đến nỗi cả đàn voi chở cũng không hết đang chôn dưới chân tháp cổ luôn gây tò mò cho người dân quanh vùng.
Ly kỳ hơn cả là bởi nó đã được yểm bùa từ khi mới xây dựng là “linh hồn” của bốn trai làng chưa vợ cùng với bốn trinh nữ được tuyển từ hàng trăm người trong bản để chôn sống làm thần giữ của ở tháp cổ giữa đại ngàn Tây Bắc từ mấy trăm năm nay…
Ngọn tháp linh thiêng của tình đoàn kết Việt – Lào
Khi chúng tôi đặt chân lên đỉnh núi nơi vùng biên giới huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, Sầm Nưa (Lào), mặc dù đã là 8h sáng nhưng những làn sương trắng bạc vẫn giăng đầy ở những ngọn núi trùng trùng điệp điệp. Trong cái lạnh tím tái như cắt da cắt thịt của cái rét tháng Ba, kèm những đợt gió thổi về từ những cánh rừng già từng đợt giữa núi rừng Tây Bắc, chúng tôi được sự dẫn đường từ người bản địa được gọi là “từ điển sống” chính là ông Lò Minh ón (70 tuổi) người có hơn 50 năm chuyên nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, tín ngưỡng cũng như những câu chuyện kỳ bí của người Thái, người Lào.
Sau gần một giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt tại bản Mường Và, nơi có ngọn tháp linh thiêng (tháp Mường Và). Không biết có phải những câu chuyện kể kỳ bí được truyền tai nhau của bà con nơi đây hay không mà khi nhìn thấy ngọn tháp cổ từ xa, trong tôi có một cảm giác hồi hộp cộng với sự tò mò muốn khám phá đến lạ kỳ… Qua tìm hiểu và theo bà con bản địa kể lại cộng với những tư liệu ghi chép khá chi tiết của ông Lò Minh ón thì ngọn tháp cổ này rất linh thiêng, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XI đến XIII, thời điểm triều đình Miến Điện mang quân tấn công Luông Pha Băng và kinh đô Viêng Chăn của Lào.
Trong bối cảnh loạn lạc đó, nhiều người dân vùng Thượng Lào đã kéo nhau sang các tỉnh biên giới Việt Nam để lánh lạn, trong đó có xã Mường Và. Được sự cưu mang, giúp đỡ của các dân tộc Việt Nam, người dân vùng Thượng Lào đã ổn định và định cư hẳn bên này cho đến ngày nay. Và để ghi nhớ tình đoàn kết giữa hai dân tộc trong thời kỳ binh lửa, với sự giúp đỡ của người dân bản địa, bà con vùng Thượng Lào đã cùng góp sức xây dựng lên tháp cổ Mường Và. Niên đại của tháp Mường Và đến nay vẫn chưa thể xác định rõ ràng, bởi không có văn bia ghi lại. Chỉ biết rằng, người dân nơi đây coi ngọn tháp là sự gắn kết tình cảm giữa hai dân tộc Việt-Lào, đùm bọc nhau trong cơn binh lửa loạn lạc.
Cùng với ngôi tháp cổ này được xây dựng, ngày đó còn có một ngôi chùa cũng được xây dựng nằm ngay dưới chân tháp, là nơi ở của các nhà sư. Trong ngôi chùa còn có chùa một cột nhỏ và nhiều tượng Phật bằng đồng và gỗ phủ màu vàng. Đặc biệt, phía trên tháp còn có một bức tượng Phật to hơn người đang ngồi khoanh chân, tay đặt lên đùi, mắt hướng về phía Nam (bức tượng này ngoài ông ón, còn rất nhiều người ở Mường Và khẳng định là có –PV). Vì theo “từ điển sống” Lò Minh ón, ngày bé ông thường lên đây chơi, thấy bức tượng vẫn ở đó). Còn ngôi chùa xưa do chiến tranh, bom đạn nên đã không còn dấu tích gì…
Những câu chuyện liêu trai
Được biết, tháp Mường Và đã không còn nguyên gốc của tháp bởi trước đó vào cuối năm 2011, ngôi tháp đã được tu bổ, sơn sửa lại. Nhiều người dân nơi đây cho biết “vẻ ngoài của tháp đã không còn đẹp như trước nữa, cho dù đã được tu bổ lại theo phiên bản cũ bằng chất liệu xi măng”. Nhưng theo như lời ông Lò Văn Toa, ngoài 50 tuổi, nhà nằm cách dưới chân tháp khoảng chục mét khẳng định: Từ bé đã thấy ngọn tháp ở đây rồi. Nghe bố ông kể lại từ đời ông nội của ông đẻ ra cũng đã thấy tháp cổ hiện hữu ở đó. Ngày bé, ông Toa thường hay cùng đám bạn trong bản lên đây chơi. Tháp cổ nguyên gốc còn có cả những vết đạn róc két hằn dấu ở đó. Cái rõ nhất sau khi tháp được tôn tạo là màu sắc, hoa văn không giống trước đây (mặc dù đã được sơn lại lần hai do phản ứng của người dân-PV).
Trong câu chuyện so sánh về sự khác nhau giữa trước và sau khi tháp được tôn tạo, tôi còn được nghe kể một câu chuyện có thật đã xảy ra trong thời điểm tôn tạo ngôi tháp cổ này. Và câu chuyện này đến giờ vẫn được người dân trong vùng truyền tai nhau. Đó là trong quá trình tôn tạo lại ngôi tháp, không biết vô tình hay hữu ý, trong quá trình gia cố lại phần móng của tháp, toán thợ xây đã đào sát vào phía mà theo ghi chép thì đó là phía có cửa ra vào tháp. Tại khu vực có cửa ra vào dưới chân tháp, sau khi gỡ bỏ một phần những lớp đá cuội chèn ở cửa, toán thợ đã tìm được bảy bức tượng đồng thau (hiện đang nằm ở Bảo tàng tỉnh Sơn La).
Tuy nhiên, ngoài bảy bức tượng đào được, toán thợ còn đào thêm được ba bức tượng nữa đã mang xuống lán giấu và sau đó đã xảy ra rất nhiều chuyện lạ, khiến toán thợ phải nhờ bản mời ông Lò Văn Thoong, người được coi là có uy tín và am hiểu về các bài cúng ở vùng lên thắp hương bằng lễ vật để “tạ tội” với “thần giữ của” thì lúc đó mọi chuyện mới yên. Đặc biệt, tại khu vực toán thợ đào được mấy bức tượng đồng còn phát hiện thêm một bộ xương người đã phân hủy một phần (hiện đã xây lại thành một chiếc mộ)…
Qua tìm hiểu, “từ điển sống” Lò Minh Ón cho biết: “Theo truyền thuyết kể lại có rất nhiều châu báu, tiền vàng được chở bằng bốn con voi về cất giấu dưới chân tháp. Thời điểm cất giấu châu báu, vàng bạc cũng là thời điểm cửa ra vào tháp bị bịt kín lại bằng những lớp đá cuội. Sau khi châu báu được chôn lại, những người ngày đó còn giết bốn trai làng chưa vợ, bốn gái trinh để yểm bùa, làm “thần giữ của”… Sau đó, ngôi tháp cũng đã nhiều lần có đạo chích “ghé qua”. Đáng kể nhất là cách đây khoảng 100 năm, có lần trộm đào bới tung tóe ngọn đồi, rồi đào một lỗ lớn ở phần chân tháp…”.
Để tìm hiểu rõ hơn về bộ xương người tìm thấy được chôn cất ngay chân tháp, ông ón khẳng định: “Chi tiết này trùng khớp với những câu chuyện và ghi chép mà ông đã nghiên cứu, sưu tầm trong mấy chục năm qua. Cách đây rất lâu, sau khi cửa ra vào dưới chân tháp bị bịt kín lại, có một toán sư bốn người bên kia biên giới đã đến khu vực tháp để tìm vật báu. Khi toán sư cúng bái, tiến hành đào chân tháp thì một người trong số đó tự dưng phụt máu mũi chết tại chỗ. Sau khi xảy ra sự việc này, toán sư đã chôn luôn người này tại chân tháp và từ bỏ ý định đào tìm vật báu bởi “thuật yểm bùa” trước đó quá mạnh?…”.
Cũng theo tài liệu ông ón ghi chép, sưu tầm: Trước đó, toán sư này năm người, khi đến Mường Và còn bốn người là vì trước đấy, nhóm này đã tìm đến khu vực thác Ta Lào, bản Chá, xã Nậm Mằn (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), nơi theo ông ón cũng được người xưa cất giấu châu báu, vàng bạc cùng hai con rùa vàng và cũng đã được yểm bùa. Tại đây, nhóm sư đã mất gần một ngày cúng một con lợn cùng nhiều lễ vật khác. Tuy nhiên, trong quá trình cúng bái, một sư cũng phụt máu mũi chết tại chỗ và họ cũng đã chôn lại. Hiện tại, chỗ đó theo ông ón đã mọc ra một cây mây… Điều đặc biệt trên thác Ta Lào có một cây dẻ rất to, phía xung quanh cách cây dẻ 10m không có cây mọc…!?
Tiếp tục theo chân “từ điển sống” Lò Minh ón đến khu vực “phiến đá phơi chiếu” cũng thuộc bản Mường Và, nằm cách tháp cổ khoảng 1km về phía Nam. Lý do ông ón dẫn tôi ra đó là vì theo ghi chép, sưu tầm của ông thì dưới tấm đá đó cũng có một kho báu. Nghe người già kể lại, ngày đó người xưa đã đào một chiếc hố rất to. Sau đó dùng hàng chục con ngựa thồ vàng bạc đổ xuống, rồi dùng một phiến đá to hơn chiếc chiếu đôi lấp lên. Do thời gian cộng với mưa lũ nên đất, đá đã phủ lên phiến đá. Hiện khu vực này là ruộng lúa của bà con trong bản…?
Tháp Mường Và được xếp hạng di tích kiến trúc cổ cấp Quốc gia
Được biết Tháp có chiều cao 15,6m, chiều rộng 9,2m, được xây bằng gạch vồ (gạch cổ) theo hình bút tháp có năm tầng được khắc họa hình chim, rồng bay, lưỡi mác, hình mặt trời… Với những giá trị lịch sử văn hóa ngọn tháp cổ Mường Và đã được bộ Văn hóa – Thông tin công nhận xếp hạng di tích kiến trúc cổ cấp Quốc gia năm 1995.