Đền Nguyệt Hồ là một trong những di tích cổ gắn liền với truyền thống lịch sử văn hiến của quê hương Bắc Giang. Ngôi đền nằm ở vùng đất có nhiều di tích thuộc thượng lưu dòng sông Thương. Dọc ven dòng sông này có rất nhiều các điểm di tích thờ Mẫu nhưng được quan tâm và chú ý nhiều hơn là đền Nguyệt Hồ thuộc xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế.
Theo bề dày lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu đền Nguyệt Hồ đã có nhiều lớp văn hóa tín ngưỡng của nhiều thời đại phủ lên. Song điều quan trọng hơn cả là từ lâu đời ngôi đền cổ này đã đi vào tâm linh tín ngưỡng dân gian gắn liền với truyền thuyết và lịch sử của dân tộc.
Những năm gần đây, đền Nguỵêt Hồ là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Hàng năm, có tới hàng ngàn lượt khách từ khắp các tỉnh thành trong nước hành hương tìm về đền Bà Chúa Nguyệt Hồ để xin lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Theo truyền thuyết và tài liệu xưa ghi chép lại: “Đệ Nhị Nguyệt Hồ là bà Chúa Bói dưới thời Hùng Vương. Tương truyền rằng, chúa bà Nguyệt Hồ vốn là người thôn nữ ở đất Bắc Giang, từ nhỏ đã sống trong cảnh cơ hàn. Bà là người rất tốt bụng, thảo hiền, có lòng nhân hậu, vì vậy, Lão Tổ Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh đã truyền dạy cho bà những đạo pháp của mình và đặt tên hiệu cho bà là Nguyệt Hồ (hay Huyết Hồ). Sau khi đã học được phép của Tiên Sinh, bà dành hết cuộc đời mình để làm phúc cho dân lành. Chẳng bao lâu, danh tiếng đồn của Chúa Nguyệt Hồ đã lan tới kinh đô, đức vua bèn truyền chỉ, mời chúa về kinh đô, mỗi lần ra trận, vua đều cho người đến thỉnh cầu, nhờ chúa bà bấm đốt tay, xem lành dữ và hỏi chuyện quân cơ, mưu lược, bày binh bố trận”.
Trong Tam Vị Chúa Mường thì bà chúa Nguyệt Hồ là bà chúa bói danh tiếng bậc nhất và rất hay ngự đồng. Khi ngự đồng, chúa mặc áo xanh, múa mồi. Đôi khi chúa ngự về còn dùng lá trầu quả cau để xem bói, phán bảo trần gian.
Theo thần tích và truyền thuyết ở vùng Bo (Yên Thế), sự tích chúa Nguyệt Hồ được ghi chép lại như sau: Cuối đời Hùng Duệ Vương quân Thục ồ ạt mang quân sang xâm chiếm giang sơn họ Hùng. Hùng Duệ Vương bèn hạ chiếu đi các nơi tìm người tài giỏi để giúp vua trừ giặc. Lúc bấy giờ ở vùng Bo (Yên Thế) có hai ông Cao, Quý ra ứng tuyển và được vua chọn đi dẹp giặp. Bái tạ ơn vua, hai ông kéo quân về vùng Bo (Yên Thế) ngày đêm luyện tập binh mã chờ thời cơ diệt giặc.
Khi quân Thục kéo sang, hai bên giao chiến ác liệt, thế giặc mạnh, quân ta yếu, hai ông Cao, Quý chỉ huy quân sĩ rút lui theo triền sông Thương rồi lựa thế đất hiểm trở quay lại giết giặc. Thuyền chiến dùng giằng chưa đi được vì các bà con gái lưu luyến yêu mến vùng đất này nên đã dời thuyền trở lại vùng Bo. Hai ông chỉ huy quân sĩ quay lại đánh giặc, bị bất ngờ phản công, quân Thục tự nhiên vỡ trận thua to, những kẻ tháo lui đều bị quân sĩ truy đuổi tiêu diệt hết.
Thắng giặc hai ông trở về khao thưởng quân sĩ rồi hồi triều báo công với vua. Trước khi hồi triều hai ông phi thẳng ngựa đến khu Rừng Từ để nhìn bao quát vùng Bo một lần nữa rồi bỗng nhiên hóa tại đó.
Phu nhân và con gái biết tin nhớ thương nên cũng tự hóa theo hôm đó vào ngày 15/2. Sau khi đánh thắng quân Thục, nhà vua phong cho các danh tướng là Thượng Đẳng Phúc Thần và truyền cho các địa phương, nơi các danh tướng đánh giặc, xây dựng đền miếu để thờ phụng mãi mãi.
Triều vua Lê Đại Hành có sắc phong cho các vị Thần ở vùng Bo là: “Cao Sơn Quý Minh đại đức hùng lược trác vĩ Đại Vương Thượng đẳng Thần”. Đến triều Nguyễn địa phương xây dựng miếu thờ ở Huyết Hồ, xin triều đình cho thờ nữ thần là Nguyệt Nga phu nhân và con gái của vị thần họ Cao.
Triều vua Tự Đức năm thứ ba (1850) ban sắc phong cho Nguyệt Nga phu nhân và ban cho dân xã vùng Bo phụng thờ. Sau lại có sắc phong cho Nguyệt Nga công chúa. Đời vua Duy Tân năm thứ nhất (1907) cũng có sắc phong cho Nguyệt Nga phu nhân.
Đền bà chúa Nguyệt Hồ có lịch sử từ lâu đời, xưa ngôi đền có một cung đặt tượng thờ Nguyệt Nga công chúa và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu, qua thời gian ngôi đền đã được nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm công đức tu sửa tôn tạo nhiều lần thêm phần khang trang tố hảo.
Quần thể di tích hiện nay gồm các hạng mục công trình: Cổng đền, khu sân đền, hồ Nguyệt, khu đền chính gồm tòa đại bái và hậu cung, kiến trúc theo lối cổ truyền thống. Trong hậu cung đặt tượng Bà Chúa bản đền, chúa Nguyệt Hồ, tức Nguyệt Nga công chúa và bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu gồm hàng Thánh Mẫu tới hàng Quan, hàng Chầu, ông Hoàng, các Cô, Cậu và Đức Thánh Trần.
Hai cung ngoài tòa đại bái cũng bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu. Như vậy, theo bề dày lịch sử, đền Nguyệt Hồ đã được phủ lên nhiều lớp tín ngưỡng, ngoài thờ “Bà chúa Nguyệt Hồ- Chúa Bói”, còn thờ “Tam tòa Thánh Mẫu”, thờ Cô, thờ Cậu, thờ Sơn Trang, thờ các ông Hoàng và đức Thánh Trần Triều… và từ lâu đền Nguyệt Hồ đã được phủ lên một lớp tín ngưỡng “thờ Mẫu”.
Theo các nhà nghiên cứu thì tín ngưỡng thờ Mẫu vốn là tín ngưỡng của người Việt cổ có từ lâu đời và ngày càng phát triển.
Ngày lệ bà Chúa Nguyệt Hồ là ngày 15/2 âm lịch. Trong ngày lệ chính nhân dân vùng Bo rước kiệu từ đình Bố Hạ về đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Sau khi tế lễ tại đền Trung lại rước kiệu về đền Nguyệt Hồ. Tại đây phần tế lễ chúa Nguỵêt Hồ được tiến hành với những nghi lễ độc đáo như lễ dâng văn chúa Nguyệt Hồ.
Bài văn cúng dâng chúa Nguyệt Hồ được thể hiện qua hình thức hát văn. Người được chọn diễn xướng hát văn phải có giọng hát hay, đàn giỏi, gia đình không có tang bụi. Trong nghi thức thờ Mẫu ở đền bà chúa Nguyệt Hồ còn có lệ hầu bóng được diễn ra trong các dịp đầu năm và trong ngày lễ hội. Khách về lễ Mẫu và hầu bóng chủ yếu là khách thập phương từ Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội… tụ hội về đây để được dâng văn hầu chúa Nguyệt Hồ.
Hội đền Nguyệt Hồ nằm trong không gian chung của tín ngưỡng thờ Mẫu theo tuyến hành lễ đền Nguyệt Hồ-đền Suối Mỡ-đền Bắc Lệ- đền Mỏ Ba-đền Thượng Đồng Đăng và cuối cùng xuôi về đền Bà chúa Kho-Bắc Ninh.