Đền ông Hoàng Mười là một trong những di tích lịch sử của dân tộc ta ở tỉnh Nghệ An. Đây là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng hấp dẫn du khách đến đây để tham quan và cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình mình.
1. Đền Ông Hoàng Mười
Đền ông Hoàng Mười hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cách trung tâm Thành Phố Vinh khoảng 10km. Đền ông Hoàng Mười là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê trên diện tích hơn 1 ha ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh huyện Hưng Nguyên.
Đền thờ Ông Hoàng Mười còn có một địa điểm khác đó là Đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đền Củi được dựng vào cuối thời Lê, cung cấm là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, cung thờ Hoàng Mười ở ngoài, bức Đại tự trước Hạ điện cũng đề rõ “Thánh Mẫu linh từ”. Gắn với nơi đây là truyền thuyết về nhân vật Lê Khôi — vị tướng tài có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thế kỷ 15. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và đưa ông vào phối thờ tại đền Củi”.
Đức Thánh Hoàng Mười được biết đến như một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Trước đó, năm 2002, đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Năm 2004, đền được tu bổ đảm bảo tính thẩm mĩ và hài hòa khu di tích.
Ngày ông Hoàng Mười giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày tiệc chính của đền. Vào ngày này, du khách thập phương nô nức đến chiêm bái cửa đền rất tấp nập, trải dải đến tận đôi bờ sông Lam. Đền Ông Hoàng Mười cũng là một trong những nơi diễn ra đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong kháng chiến chống quân xâm lược.
Phần lễ
- Sáng 14/3 âm lịch: Lễ yết cáo
- Tối 14/3 âm lịch: Lễ đại tế
- Sáng 15/3 âm lịch: Lễ dâng hương
- Tối 15/3 âm lịch: Lễ yết cáo
- Tối 09/10 âm lịch: Lễ đại tế
- Sáng 10/10 âm lịch: Lễ tưởng niệm, dâng hương
- Tối 10/10 âm lịch: Lễ tạ
Phần hội:
- Chiều 14/3 và chiều ngày 9/10 âm lịch: rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền.
- Chiều 15/3 và chiều ngày 10/10 âm lịch: hát chầu văn, thi chọi gà, đánh cờ người.
- Sáng 16/3 và chiều ngày 11/10 âm lịch: rước sắc bằng thuyền từ đền về nhà thờ họ Nguyễn tại làng Xuân Am.
2. Đền ông hoàng mười cầu gì
Theo dân gian Ông Hoàng Mười là vị thánh chuyên ban lộc cho phát về công danh sự nghiệp. Chính vì thế, ai cũng muốn đến xin lộc ông vào mỗi dịp đầu năm. Đó cũng là lý do khiến những ngôi đền thờ ông Hoàng Mười luôn tấp nập du khách vào mỗi dịp đầu xuân để cầu xin lộc.
Ông Hoàng Mười thường độ cho các con nhang đệ tử về khoẻ mạnh, học hành, công việc, công danh, bình an. Đặc biệt là cầu công danh sự nghiệp thăng tiến, thuận lợi, phát tài phát lộc, mọi việc suôn sẻ.
3. Sắm lễ đi đền Ông Hoàng Mười
- 1 mâm xôi, gà, 1 chai rượu (5 chén), 1 chai nước, tiền dương, nén nhang.
- 1 mâm sớ điệp, cau, trầu, tiền quan, tiền dương.
- 1 mâm vàng quan màu vàng 5 dây
- 1 mâm 1 dây vàng trắng, 1 chai rượu, 5 chén rượu, tiền vàng, nén nhang, tiền dương, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 5 quả trứng vịt (đã rửasạch), 1 bó hoa để ban thờ Quan Ngũ Hổ).
- 1 mâm hoa, quả, cau, trầu, tiền dương, chai nước…
Hầu đồng Ông Hoàng Muuời
4. Văn khấn đền ông hoàng mười
“Gươm thiêng chống đất chỉ trời
Đánh Đông dẹp Bắc việc ngoài binh nhung
Hai vai nặng gánh cương thường
Sông Lam sóng cả buồm giương một chèo”
“Đất Nghệ An anh hùng hào kiệt
Tiếng Ông Mười lẫm liệt ngàn xưa
Cung gươm lên ngựa đề cờ
Ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam”
“Chí anh hùng ra tay cứu nước
Đi tới đâu giặc bước lui ngay
Việt Nam ghi chép sử dày
Cung cao điện ngọc đêm ngày khói nhang”
“Năm cửa ô tới Đô Thành
Nam Đàn, Nghi Lộc nức danh Ông Mười”
Rồi có cả đoạn thơ hát khi Ông Hoàng Mười “tái đáo Thiên Thai”:
“Hoa đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Ngõ hạnh suối đào xa cách mãi
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi
Đá mòn rêu nhạt nước chảy hoa trôi
Ước cũ duyên xưa có thế thôi”
Hay khi dâng ông miếng trầu têm, văn thường hát:
“Đất lề quê thói Nghệ An
Miếng trầu cau đậu dâng Quan Hoàng Mười”
Và có cả khi văn tấu điệu hò Nghệ Tĩnh để ông vỗ gối ban thưởng:
“Muối đã mặn ba năm còn mặn
Gừng đã cay chín tháng vẫn cay
Ghế ông tình nặng nghĩa dày
Xa xôi đến mấy, ra đây ngự đồng”
“Xứ Nghệ vui nhất Chợ Vinh
Đẹp nhất Bến Thủy, anh linh Ông Mười”
5. Kinh nghiệm đi lễ
Đi lễ ông Hoàng từ Hà Nội có thể đi về ngay trong ngày nhưng khá là mệt. Nếu có thể nên sắp xếp đi ít nhất 2 ngày 1 đêm. Hành trình đi lễ có thể ghé cả 2 đền tại Nghệ An và Hà Tĩnh vì theo quốc lộ cách nhau không xa rất tiện đường.
Tại thành phố Vinh nằm giữa có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, dịch vụ ăn uống rẻ và nhiệt tình.
Quanh khu vực đó bán kính 20km còn có bãi biển cửa Lò, làng Sen quê Bác, núi Quyết thăm mộ bà Hoàng thị Loan… Có thể kết hợp đi lễ và tham quan du lịch rất hợp lý.
Từ Hà Nội, nếu đi xe khách có thể đi xe từ bến xe Nước Ngầm hoặc bến xe Mỹ Đình. Bắt xe chạy thẳng về bến xe Vinh, sau đó đi đến đền khoảng 10km bằng taxi, xe ôm…
Nếu đi xe cá nhân có thể chạy thẳng cao tốc Pháp Vân đi QL 1A hoặc đi Đại Lộ Thăng Long đường mòn Hồ Chí Minh. Từ Hà Nội bằng 2 đường đều có khoàng cách tầm 300km, hiện nay chỉ mất khoảng 5h đồng hồ đi xe.
Chúc mọi người có một chuyến đi tham quan du lịch vui vẻ thoải mái và cầu được những điều mong muốn.