Câu chuyện về người đàn ông hóa điên dại khi bắt rắn thần ở ngôi Đền về ngâm rượu khiến dân tinh hoang mang, điều này là sao?
Từ cành cây đa cổ thụ sau ngôi đền Bà, một chiếc rễ duy nhất lớn bằng cổ tay cắm sâu xuống ngôi mộ của Đức Bà Trinh Uyển Linh Từ. Chiếc rễ không buông thẳng mà mọc chéo. Người dân đồn rằng, đó là Đức Bà hiển linh ban phát sức sống cho cây đa.
Xêm thêm:
- Tang tóc chồng chất vì bị “rắn thần” báo thù?
- Cả làng thờ một con rắn vì đó là… linh hồn của cô gái 13 tuổi
- Cứu một con trăn bị thương, gia đình được trả ơn thật bất ngờ
Từ cành cây đa cổ thụ sau ngôi đền Bà (thuộc thôn Vinh Quang, xã Thanh Trù, Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), một chiếc rễ duy nhất lớn bằng cổ tay cắm sâu xuống ngôi mộ của Đức Bà Trinh Uyển Linh Từ (người được thờ trong đền). Chiếc rễ không buông thẳng mà mọc chéo. Người dân đồn rằng, đó là Đức Bà hiển linh ban phát sức sống cho cây đa.
Những chuyện rùng rợn
Mải mê ngắm chiếc rễ kỳ lạ, chúng tôi không biết đến sự có mặt của một người đàn ông khoảng 60 tuổi. Thấy chúng tôi bị cuốn hút về hình ảnh kỳ lạ trước mắt – rễ cây đa cắm vào giữa ngôi mộ lớn tạo nên cảm giác vừa linh thiêng, vừa đáng sợ – người đàn ông bắt chuyện. Qua cuộc chuyện trò, chúng tôi biết ông là Nguyễn Văn Quang hiện là người được dân làng cử ra coi sóc đền Bà.
Ông Quang có “thâm niên” hơn 30 năm chở đò qua Đầm Vạc. Cuộc sống của ông vốn gắn với sông nước, đặt sự sống chết vào tay Thủy thần, Hà Bá, nên ông rất coi trọng việc tâm linh. Cũng chính vì lý do này, ông được các cụ cao niên chọn để trông nom đền Bà – ngôi đền nằm trên một mỏm đất hướng ra Đầm Vạc.
Giải thích cặn kẽ về chiếc rễ kỳ lạ cắm vào ngôi mộ lớn, ông Quang lật lại sự việc từ khoảng cuối năm 2010, khi đền Bà được tôn tạo, sửa sang. Ngôi mộ cũ của Đức Bà vốn nằm chếch về phía phải. Tuy nhiên, trong quá trình sửa chữa, vì muốn tiện thờ cúng, dân làng đã làm lễ xin tạo ngôi mộ mới nằm ngay phía sau đền. Bên cạnh ngôi mộ mới là cây đa cổ thụ. Cây đa này trước nay không có rễ phụ, thế nhưng, từ ngày ngôi mộ được đắp lên, một chiếc rễ nhỏ bằng chiếc tăm buông thõng từ thân cây rủ xuống. Theo lý thường, rễ cây buông thẳng, đằng này, như có một sức mạnh phi tự nhiên điều khiển, chiếc rễ đâm chéo và cắm vào đỉnh ngôi mộ.
Chiếc rễ lớn nhanh như thổi. Chỉ trong vài tháng, chiếc rễ đã lớn bằng cổ tay trẻ em. Hiện tại, chiếc rễ kỳ lạ đã to bằng cổ tay người lớn. Nhiều người liên tưởng chiếc rễ như một cầu nối hữu hình từ sâu thẳm ngôi mộ lạnh lẽo tới cây đa già. Câu nói của ông Quang khiến chúng tôi giật mình: “Các cụ vẫn bảo gốc gạo có ma, gốc đa có thần. Lại có nhà ngoại cảm nói, mỗi ngọn cây trong đền, chùa đều trú ẩn một linh hồn. Nhìn rễ đa này, tôi thấy như Đức Bà từ trong lòng đất gửi sự từ bi, phổ độ cho các linh hồn trên cây đa. Chẳng phải linh thiêng lắm hay sao?”.
Lại nói về sự linh thiêng của Đức Bà, ông Quang kể một câu chuyện mà ông là nhân vật chính. Hôm ấy là ngày mùng 1 tháng 10, ông Quang đang chợp mắt buổi trưa, bỗng nhiên, ông bị chính bàn tay mình đấm thẳng vào ngực. Choàng tỉnh, ông Quang phăm phăm đi đến chiếc lục bình đựng bên trái ban thờ Đức Bà. Chiếc lục bình rất lớn, ông Quang phải kê ghế thì mới nhìn vào bên trong được. Từ bên trong lục bình, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Một giọng nói dõng dạc từ miệng ông Quang cất lên, dù ông Quang khẳng định đó không phải là giọng của ông, ra lệnh cho các bà vãi bê lục bình ra sân để rửa. Ba bà vãi xúm vào không lay nổi chiếc bình. Ông Quang gạt họ ra, ôm cứng lấy thân chiếc lục bình, phăm phăm bê lục bình ra sân. Thì ra bên trong lục bình, ai đó làm rơi một quả trứng, nó bị phân hủy, bốc mùi khó chịu. Các bà vãi rửa sạch lục bình, sau đó, cũng một mình, ông Quang bê chiếc lục bình đặt nghiêm cẩn vào vị trí cũ.
Ông Quang bảo, bình thường, ba người như ông cũng chẳng xê dịch nổi chiếc lục bình. Nhìn dáng người mảnh khảnh của ông Quang, chúng tôi khó lòng nghi ngờ lời nói của ông. Vấn đề ở chỗ, sự việc mà ông Quang kể hoàn toàn không có bằng chứng, nên chúng tôi không thể tin đó là sự thật.
Bắt “rắn thần” ngâm rượu
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Nghĩa, người từng cho là bị hóa điên vì “phạm tội” với ngôi đền thiêng.
Ông Nguyễn Văn Tứ, cha ruột anh Nghĩa xác nhận: Con trai của ông sinh năm 1990, từng đi bộ đội, hiện là dân quân tại địa phương. Nhắc đến chuyện anh Nghĩa bị “thánh phạt” xảy ra trước đây không lâu, ông Tứ ngần ngừ hồi lâu rồi mới kể: Sự việc ấy xảy ra vào khoảng tháng 6/2012, anh Nghĩa bắt được một con rắn kỳ lạ ở Đầm Vạc. Đó là giống rắn hổ mang chúa, thân màu đen, dài khoảng 1,5m. Bắt được con rắn, anh Nghĩa chào bán cho các nhà trong vùng, nhưng không ai dám mua. Anh Nghĩa không đem bán con rắn nữa, anh mổ bụng rắn, cho vào bình ngâm rượu.
Ông Tứ cho biết, sau khi mổ rắn, anh Nghĩa có những biểu hiện cực kỳ bất thường. Anh lẩn tránh tất cả mọi người, sợ sệt nấp trong xó nhà, miệng lúc nào cũng lẩm bẩm điều gì đó không rõ. Sợ hãi hơn nữa, anh Nghĩa có biểu hiện như loài rắn: Anh chui vào gầm giường, gầm bàn, trườn bò như rắn. Ông Tứ nhớ lại: “Gia đình tôi thấy Nghĩa như vậy thì vô cùng lo lắng. Chúng tôi đưa Nghĩa đi khám ở các bệnh viện lớn, nhưng bác sĩ bảo Nghĩa chẳng có bệnh tật gì. Chúng tôi đưa Nghĩa đến cô đồng để xem, cô đồng phán rằng Nghĩa phạm tội với rắn thần, nên bị thánh phạt. Nghe lời cô đồng, chúng tôi đập vỡ bình rượu rắn đổ đi rồi sắp lễ cầu khấn ở đền Bà, quả nhiên, Nghĩa dần dần trở lại bình thường”.
Đi tìm lời lý giải
Ông Phùng Văn Việt, Trưởng thôn Vinh Quang (xã Thanh Trù, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng không tin vào chuyện “thánh phạt” người dân vì lỡ bắt “rắn thần”. Trao đổi với chúng tôi, ông Việt cẩn trọng cung cấp: Quả thật, vài tháng trước, tại thôn Vinh Quang có tin đồn về chuyện anh Nguyễn Văn Nghĩa bắt được con rắn lạ ở Đầm Vạc, rồi bị mắc bệnh không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, ông Việt đánh giá, căn bệnh của anh Nghĩa nhiều khả năng là chứng rối loạn tâm thần ở cấp độ nhẹ, không có liên quan đến chuyện thần thánh, ma quỷ.
Bên cạnh đó, chúng tôi được nghe một câu chuyện khác về cái rễ đa trong đền Bà. Ông Đinh Phú, người trong thôn, tiết lộ, ban đầu cái rễ đa buông thẳng bình thường. Nhưng sau đó chính con trai ông Nguyễn Văn Quang (người coi đền) đã kéo rễ cắm vào ngôi mộ giả. Vì ngôi mộ đắp bằng đất mới, nhiều màu, nên cái rễ phát triển nhanh là không có gì lạ.
Những lời giải thích nêu trên khiến chúng tôi sáng tỏ phần nào về “điều bí ẩn” tại đền Bà. Coi trọng tín ngưỡng và tâm linh là điều rất đáng làm, tuy nhiên, nếu không cẩn thận, các đối tượng xấu có thể biến hoạt động tâm linh thành mê tín dị đoan, gây mất trật tự tại địa phương. Để tránh điều này, chúng tôi xin góp một tiếng nói để làm rõ những điều thắc mắc bấy lâu của người dân xung quanh ngôi đền ở thôn Vinh Quang.
Theo Tuổi trẻ & Đời sống