Pháp sư Khả Cứu đời Tống. Sư thường niệm kinh Pháp Hoa cầu sanh Tịnh Độ.
Trong chương Tam Bối Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ, đoạn thứ tư có nói: Hễ ai tu học hết thảy pháp Đại Thừa, hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ thì A Di Đà Phật cũng đến tiếp dẫn giống hệt [như người chuyên tu Tịnh Độ]. Đủ thấy pháp môn này bao dung hết sức rộng lớn.
Pháp sư Khả Cứu ngồi vãng sanh, mất đã ba ngày, sống lại, bảo các đồng tu: “Tôi đã đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, trông thấy tình hình hoàn toàn giống như kinh đã dạy”. Ngài lại nói những ai tu Tịnh Độ trong cõi đời, hoa sen trong ao bảy báu ở Tây Phương đều có ghi tên.
Người Thượng Phẩm vãng sanh là lão hòa thượng của Quảng Giáo Viện tại Thần Châu. Khi ấy, lão hòa thượng còn chưa vãng sanh. Ngoài ra, còn có Tôn Thập Nhị Lang ở Minh Châu và chính sư Khả Cứu đều là đài vàng. Kém hơn là đài bạc, người chứng được đài bạc là Từ đạo cô.
Pháp sư Khả Cứu thuật tình hình đã thấy cho mọi người nghe rồi lại vãng sanh. Sau này, Tôn Thập Nhị Lang lâm chung, nhạc trời vang rền hư không; khi Từ đạo cô lâm chung, có mùi hương lạ ngập thất không tan.
Pháp sư Hoài Ngọc, khi lâm chung, thấy A Di Đà Phật cầm đài bạc đến đón, Sư nghĩ ta bình sinh công phu rất đắc lực, cớ sao chỉ được đài bạc, tợ hồ chẳng cam lòng. Ý niệm vừa khởi, chẳng thấy A Di Đà Phật nữa. Sư lại dốc hết tánh mạng niệm Phật bảy ngày bảy đêm không ngớt, A Di Đà Phật lại hiện, cầm đài vàng tiếp dẫn.
Trong thế gian, người tu pháp môn Tịnh Độ chân tâm niệm Phật cầu vãng sanh, hoa sen của người ấy bèn sáng ngời, rực rỡ chóa mắt. Nếu giải đãi, biếng nhác, hoa liền khô héo. Đổi dạ chuyển sang tu pháp môn khác, hoa liền chết khô.
Hết thảy sự vật trong Tây Phương đều chẳng sanh diệt, chỉ có hoa sen trong ao bảy báu là có sanh, có diệt. Sự tươi, khô, sanh, diệt ấy do hành nhân cảm thành, chứ không liên quan gì tới A Di Đà Phật.
Khi niệm Phật, tâm tánh năng niệm chẳng thể nghĩ bàn, nhưng phải dùng chân tâm, đừng dùng vọng tâm. Niệm Phật bằng chân tâm thì xử thế đãi người tiếp vật cũng phải dùng chân tâm.
Niệm niệm cầu sanh về Tịnh Độ, khi còn sống trên đời thì hết thảy thuận theo tự nhiên, chớ nên cưỡng cầu. Một câu Phật hiệu đầy đủ viên mãn Tam Học, Tam Huệ, và ba món tư lương, mà cũng đầy đủ viên mãn vô lượng hạnh môn, nhất tâm chấp trì sẽ có thể viên siêu, viên đốn.
Trích Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký Phần 9
Pháp sư Tịnh Không giảng thuật
Cư sĩ Lưu Thừa Phù ghi chép
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa