Cụ ngưng thở trong vòng bảy ngày rồi bỗng nhiên tỉnh lại. Sau sự cố đó, cuộc đời của bà có quá nhiều điều đổi thay và kỳ lạ.
Khi trở về tỉnh Bến Tre, chúng tôi thực sự bất ngờ câu chuyện về cụ già Phạm Thị Tưởng, ở ấp 1, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, đã 99 tuổi có mái tóc dài 3,5 m lại từng ngưng thở suốt 7 ngày, rồi sau đó đột nhiên sống lại.
Mặc dù đã 99 tuổi, nhưng cụ Tưởng vẫn khỏe mạnh, đi lại không cần dùng đến gậy. Nhắc đến những chuyện trong quá khứ, cụ vẫn còn nhớ rất rõ.
Năm 9 tuổi, trong một lần nằm ngủ, cụ Tưởng mơ thấy có người bảo một thời gian ngắn nữa, bà sẽ phải “lên trời”. Người trong giấc mơ bảo, nếu cụ vẫn có “căn” với cuộc sống thì sẽ trở về, nếu không thì sẽ ra đi mãi mãi
Sau đêm mơ đó khoảng chừng mười ngày, trong khi sức khỏe đang bình thường, vẫn chơi đùa với lũ bạn hàng xóm, bỗng nhiên sức khỏe của cô bé Tưởng trở nên yếu ớt. Bởi bị ám ảnh bởi giấc mơ và cho rằng đó chính là điềm báo, cô bé bảo với cha mẹ: “Con ‘lên trời’ đây. Nếu bảy ngày sau, con không trở về thì hãy làm ma chay”. Chỉ mới nói dứt lời, cô bé Tưởng tắt thở.
Mặc dù đã 99 tuổi nhưng cụ Tưởng vẫn đi lại một cách bình thường
Khi đó, cả gia đình cụ rất đau buồn, dù không dám tin lời của con đã nói trước khi chết, nhưng mọi người trong gia đình vẫn nuôi hy vọng mong manh con mình sẽ sống lại nên không làm ma chay. Hồi đó, cha mẹ cô bé Tưởng đi khắp các chùa chiền để khấn cầu con mình có thể trở về.
Bảy ngày trôi qua, thấy cô bé Tưởng bắt đầu cử động một cách yếu ớt, mắt dần dần hé mở. Mọi người lúc này vui mừng khôn xiết, cố gắng đút từng thìa cháo cô bé ăn.
Cụ Tưởng chia sẻ, mình không hề biết gì trong bảy ngày ngưng thở. Trí nhớ của cụ trong suốt bảy ngày đó chỉ là một khoảng trống không có bất kỳ hình ảnh nào còn lưu lại.
Sau lần chết hụt đó, cô bé Tưởng không thể ăn bất kỳ thứ gì liên quan đến động vật, thức ăn chủ yếu đến nay của cụ là thực vật. “Tui không thể nào ăn sướng được. Cứ mỗi lần ăn thịt là lại nôn thốc nôn tháo”, cụ rành rõ chia sẻ. Về già, bên cạnh ăn hoa quả, cụ còn có thể ăn sống mì tôm chay chay. Cụ không hề cảm thấy cuộc đời của mình là kham khổ.
Một điều kỳ lạ là từ sau khi chuyện ngưng thở bảy ngày rồi sống lại, ngoài việc không ăn được thức ăn động vật, thì hễ ai động đến mái tóc hay mái tóc chạm vào nước là đầu của cụ lại bị đau. Ban đầu, vẫn chưa biết chuyện này, cha mẹ cụ vẫn cho con tắm rửa một cách bình thường. Tuy nhiên, sau mỗi lần tắm, họ lại thấy con ốm nặng, phải chừng mười ngày sau mới khỏi. Sau nhiều lần như vậy, cha mẹ mới phát hiện những cơn ốm “thập tử nhất sinh” của con là do động đến nước. Cũng từ đó, bé Tưởng “cạch” nước.
Cụ Tưởng lau nước mắt khi nhớ lại những chuyện đã qua
Trên cơ thể cụ Tưởng, chỉ có hai tay và hai chân là có thể tiếp xúc với nước, còn những bộ phận khác thì không. Đã gần 90 năm trôi qua, cụ không hề tắm gội. Hàng ngày, cụ chỉ dùng khăn lau cơ thể và thay áo quần rồi giặt. Nhưng cơ thể của cụ vẫn không hề bị “bốc mùi”.
Cũng chừng đó năm, mái tóc của cụ Tưởng cũng không được cắt. Sau khi hồi sinh, mỗi khi cắt tóc là cụ đau đầu đến mức không chịu đựng nổi. Đến năm mười tuổi, mái tóc của cụ bỗng nhiên bết dính lại với nhau. Không được tắm gội, cắt tỉa, nên đến nay, mái tóc ấy đã dài 3,5 m.
Để mái tóc không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, cụ Tưởng may một túi màu nâu để đựng tóc rồi quấn xung quanh cổ của mình. Chúng tôi ngỏ ý muốn tận mắt chứng kiến mái tóc kì lạ thì cụ từ chối và cho rằng: “Đã mấy chục năm rồi không ai có thể nhìn thấy mái tóc của tui. Đến những người bà con cũng không được”. Theo lời cụ, mặc dù sắp bước sang tuổi 100 nhưng mái tóc của cụ chỉ có một vài sợi bạc, còn lại có màu nâu hạt dẻ.
Khi hỏi về bí quyết sống trường thọ mà vẫn khỏe mạnh, cụ từ tốn chia sẻ: “Tui không có bất kỳ bí quyết gì. Có lẽ do tui không ăn thức ăn động vật mà chỉ ăn thức ăn thực vật và thường xuyên đi lại, nên mới có sức khỏe như thế này. Không chỉ thế, tui vẫn thường đọc kinh Phật để ngẫm về cuộc sống”.
Theo ông Phạm Văn Lâm (người cháu gọi cụ Tưởng bằng cô ruột, 62 tuổi) cho biết, cụ Tưởng luôn bảo cháu chắt trong gia đình phải thường xuyên đọc kinh Phật. Điều cụ dạy con cái không có gì cao xa mà chỉ bảo cuộc đời chỉ có một chữ không. Cứ lấy chữ “không” trong kinh phật mà sống. Bởi con người đến với cuộc đời từ một con số không và khi trở về cát bụi cũng chỉ là một con số không. Do đó, không nên chạy theo danh lợi hay để lòng mọi chuyện, không suy nghĩ quá nhiều để khiến tâm não không được yên bình.
Đến nay, cả gia đình cụ đều theo đạo Phật. Mặc dù không lên chùa để tu, nhưng cháu chắt cụ luôn tâm niệm nghe theo lời dạy của cụ để sống tốt với mọi người. Như ông Tâm, thường xuyên ăn chay tịnh, đọc sách Phật… mặc dù đã bước sang tuổi lục tuần nhưng nhìn cứ ngỡ chưa tới năm mươi.
Không chỉ thế, cụ Tưởng rất vui khi kể về khoảng thời gian mình vẫn còn trẻ. Lúc bước vào độ tuổi trăng tròn, cụ phải quấn mái tóc lên cổ ra đồng để giúp bố mẹ cấy, cắt lúa. Với tính nết hiền lành lại xinh đẹp nên cụ có khá nhiều người thanh niên chọc ghẹo và tán tỉnh. Chính cụ cũng không thể nào hiểu được tại sao mỗi lần bị những người thanh niên này chọc ghẹo về chuyện trai gái thì đầu cụ rất đau. Những điều này chỉ kết thúc khi cụ quyết định lên chùa đi tu.
Được biết, trước đây, cụ tu ở chùa Phước Huệ. Cách đây hai năm, do nhận thấy mình đã già nên cụ xin trụ trì được trở về gia đình để thờ phụng Phật. Khi cụ trở về, các phật tử yêu mến, góp tiền và đã xây cho cụ một ngôi miếu khang trang trong mảnh đất của chính gia đình để cụ tụng kinh. Chính vì vậy, người dân ở địa phương gọi cụ với một cái tên thân thương là cụ Tư Miễu.
Mặc dù xin trụ trì chùa Huệ Phước được về gia đình để cháu chắt của mình chăm sóc, nhưng cụ luôn muốn tự làm tất cả mọi chuyện. Đồng thời, do sức vẫn còn khỏe mạnh nên việc vệ sinh thân thể, cụ vẫn có thể tự làm không cần sự giúp đỡ của người thân. Không chỉ thế, việc cơm nước, thờ phụng, hương khói, cúng bái trong ngôi miếu của mình, cụ đều tự lo cho mình.
“Tui không muốn phụ thuộc vào mọi người. Dù già, nhưng vẫn còn chút sức lực nên tui vẫn tự làm việc. Tui chỉ chấp nhận ngồi không khi không thể nhúc nhích. Các cháu có việc của các cháu, tui có việc của tui”, cụ hóm hỉnh, cười tươi tâm sự.
Cụ Tưởng chia sẻ, mình từng được đi rất nhiều nơi như Hà Nội, Huế, Tây Ninh… Mỗi chuyến đi với cụ là cả một niềm vui. Cụ có thể kể hết những nơi mình đã đi qua, những kỉ niệm có được trong chuyến đi đó. Tuy nhiên, nơi cụ thích đến nhất là Hà Nội vì ở đó là thủ đô của đất nước. Mỗi lần cụ ra Hà Nội, nơi cụ đến sớm nhất là lăng Hồ Chủ Tịch. Bên cạnh đó, cụ có thể kể chi tiết từng lăng tẩm ở Huế như thế nào…
Cụ Tưởng men theo con đường nhỏ ra đường lớn tiễn chúng tôi trở về thành phố
Cụ Tưởng cho biết mình rất thì rất thích đi leo núi. Cách đây hai năm, tức 97 tuổi, cụ đã cùng cháu của mình tự leo lên núi ở Tây Ninh để lên thăm chùa Bà. Trong lần đi này, các cháu sợ cụ đã già nên khẩn khoản xin được cõng, nhưng cụ vẫn một mực không đồng ý, leo một mình và cuối cùng lên được đỉnh.
Chúng tôi chia tay cụ Tưởng sau một khoảng thời gian nói chuyện. Cụ tiễn chúng tôi ra đến đường đi rồi cầm tay nói “lúc nào có cơ hội về Bến Tre, các con nhớ trở lại miễu để thăm bà nhé!”.