Lật tẩy những mánh khóe của nghề gọi hồn

Xưa kia trong dân gian rất hay đi gọi hồn. Từ khi có nhà ngoại cảm thì người ta lại tới tấp đi tìm nhà ngoại cảm. Mới đây nhiều nhà ngoại cảm đã bị phát giác là lừa đảo. Còn trò gọi hồn thực tế ra sao?

Những mánh khóe

Nói về “mánh khóe” của mình, cô đồng T có thâm niên hành nghề ở chợ phủ Quốc Oai tóm tắt: “Hơn hai năm đi học nghề gọi hồn, tôi đã được thầy truyền cho đủ Tam thập lục để làm vốn sinh sống. Nghề này cái vốn quý nhất vẫn là nói dựa. Các vị tính, ai có chồng con, anh em 18, 20 tuổi bỗng dưng lăn ra chết ai mà chả đau lòng, cắt ruột.

Chết là hết nhưng cái trò đời, một số người còn đầu óc mê tín, họ cứ tưởng tượng qua miệng đồng sẽ làm cho mẹ con, anh em, chồng vợ gặp được nhau để giăng dối câu chuyện cuối cùng cho khuây khỏa”.

Bao giờ cũng vậy, mở đầu cuộc gọi hồn, cô T sẽ hỏi tên tuổi để biết hồn già hay trẻ, đàn ông hay đàn bà. Sau đó cô hát phủ đầu bằng mấy câu thật sầu thảm như: “Thương cha nhớ mẹ sầu bi, đêm ngày lẩn khuất đi về trông nom”. Hát chỉ là tiết mục câu giờ để cô nghĩ cách nói. Mặt khác nếu trong lúc hát mà người đi gọi hồn òa khóc thì cô dựa vào tiếng khóc của họ mà dò đoán.

Nhiều người đi gọi hồn bị lừa nên cũng rút kinh nghiệm, thường hỏi kiểm tra những câu dạng như: “Hồn cho biết ở đây có bao nhiêu người đến thăm?”.

Để đối phó, cô T thường nói con số in ít để nếu có ai hỏi: “Sao còn tôi đây hồn không nhận” thì sửa lại một câu rất dễ: “Vì không thành tâm đi thăm hồn, đến đây không được giọt nước mắt” hoặc hôm nọ đi đường gặp hồn không chào nên hồn giận”…

Cô T còn có mẹo trước khi vào cuộc gọi hồn giao cho người đi gọi một ít tiền trinh rồi dặn khi nào hồn nói nghe hay thì thưởng một đồng vào đĩa cho hồn vui lòng. Kỳ thực là qua tiếng bỏ đồng trinh vào đĩa cô T biết là mình nói đúng để cứ thế mà tán rộng ra thôi.

Có người hỏi: “Ngộ gặp phải khách hàng họ bắt phải trả lời những câu thật cụ thể thì cô làm thế nào?”.

Cô T tủm tỉm cười trả lời: “Họ vặn mình thì mình vặn lại họ lo gì. Thế này nhé, tôi cứ hỏi họ cho biết giờ sinh, tháng đẻ thật đúng thì mới đoán được, nếu sai sẽ không đoán được. Các ông các bà tính ở nông thôn mấy ai đi gọi hồn mà nhớ được giờ sinh? Vả lại, nếu họ có nhớ thì mình cũng cứ bảo có lẽ họ nhớ chệch đấy! Thế là họ phải chịu”.

Mấy vụ “lòe” kinh điển

Cô đồng Dị nổi danh một thời cung cấp một ví dụ rất điển hình về kỹ năng nói dựa của nghề đồng cốt. Số là có lần cô ta được mời đến nhà một viên quan nổi tiếng hách dịch trong vùng để gọi hồn. Trước khi bắt đầu qua đã đe: “Nếu nói láo thì đừng hòng làm ăn ở địa hạt đây”.

Vào cuộc gọi hồn, cả nhà viên quan ngồi vây quanh cô đồng đủ cả già trẻ gái trai. Hồn gọi lên là một đứa trẻ vừa chết chừng vài tháng. Viên quan hỏi ngay: “Thế mẹ hồn đâu, thử chỉ xem…”

Cô đồng thuật lại: “Thú thực tôi cũng phải suy nghĩ rất lao lung. Đứa trẻ là ai? Có họ hàng thân thuộc với người ngồi đây không? Viên quan hống hách kia có thực tin hay chỉ bày trò thử. Đồng lên mới được mấy câu hắn đã hỏi: thế mẹ hồn đâu thử chỉ xem… Tôi toát mồ hôi vì quả thực từ nãy giờ vẫn thử đoán, mà chưa biết ai là mẹ hồn.

Tôi vờ “dỗi” lấy quạt che mặt. Nhưng qua khe quạt tôi đảo mắt, quan sát nét mặt mọi người. Tôi bắt gặp một vài cặp mắt liếc trộm vào một người phụ nữ còn rất trẻ, ngồi ở giữa và vẻ xúc động lắm. Thôi đúng rồi. Tôi bèn chỉ vào người đó và nói: Lại còn thử hồn, mẹ hồn ngồi đây chứ đâu!

Tất cả mọi người trong phòng đều bật lên tiếng xuýt xoa thán phục. Tôi đã đoán đúng. Viên quan mặt vẫn lạnh như tiền, hỏi tiếp: Thế bố hồn đâu, câu hỏi này mới gay! Trong những người ngồi đây, ai đáng mặt là chồng của người phụ nữ trẻ kia. Chỉ nhầm anh hay em người ta thì thật nguy. Tôi lại dùng cách trước. tôi chợt thấy người đàn bà liếc nhanh về phía một người đàn bà đứng tuổi khác. Còn người đàn bà đứng tuổi này cũng liếc về phía viên quan.

Thế là rõ: giữa ba người này có mối quan hệ phức tạp gì đây. Tôi bèn chỉ vào viên quan: Bố hồn đây rồi chỉ luôn vào người đàn bà đứng tuổi: còn đây là mẹ già của hồn. Đám phụ nữ trong phòng òa lên khóc còn viên quan cũng tỏ vẻ kinh hoàng. Vì tôi đã nói rất đúng: Người thiếu phụ trẻ là vợ bé của viên quan và đứa trẻ bị chết là con cô ta nhưng chưa được gia đình chính thức thừa nhận”.

Một cô đồng khác kể về vụ đi Hà Nội đánh đồng thiếp sang Pháp cho gia đình một nhà quan để hỏi tin tức con trai của gia đình này đang du học bên ấy tình hình thế nào. Cô đồng nhận xét vụ này là một vụ hắc búa nhất từ trước đến giờ.

Được nhà quan đưa ô tô đón lên Hà Nội rồi phong tỏa trong một cái biệt thự kín cổng cao tường cách biệt với bên ngoài, không có cách gì để tìm kiếm tin tức. Hơn nữa sự việc gia đình viên quan muốn biết lại ở bên Pháp thì thật là nan giải.

Nghĩ thế nên cô đồng phải tìm kế hoãn binh, cô kể: “Tôi tìm kế hoãn binh, nói với viên quan ấy cho chúng tôi nghỉ 1 ngày cho đỡ mệt. Rồi sau đó, xin cho được xem cái “sinh phần” của họ nhà ông ta, to nhất Bắc Kỳ lúc bấy giờ. Viên quan đồng ý”.

Theo đúng lịch hẹn với viên quan, tối hôm sau, cô đồng vào việc. Hồn lên bảo vì đi từ Việt Nam sang Pháp rồi lại từ Pháp trở về, đường đất xa xôi nên mất cả một đêm gần sáng hồn mới về đến Hà Nội. Vì thế nên hồn chỉ nói vài câu vắn tắt thôi.

Và hồn nói rằng: “Công tử, con trai độc nhất của quan lớn chết rồi do một tai nạn xe hơi gây ra ngày ấy, tháng ấy. Khi hấp hối có người hầu cận là ông N ở bên cạnh hiện giờ còn một số tiền là ngần ấy gửi ở nhà băng tỉnh Mông pơ li ê”.

Nghe xong 3 câu trả lời kia, viên quan nọ ngã vật trên sập gụ ngất đi. Bởi lẽ ông ta sinh được 6 người con chỉ có 1 trai độc nhất. Ngày hôm sau, viên quan giữ cô đồng ở lại chưa về vội chờ quan khỏe lại sẽ gặp.

Thực ra là họ cũng tranh thủ đánh điện sang Pháp xem những việc cô đồng nói có đúng không. Đến hôm sau nữa, viên quan gặp cô đồng rồi bảo vợ đưa ra 200 đồng Đông Dương gọi là tiền công cho cô đồng vì cô nói đúng hết. Thật kinh ngạc.

Nhưng sự thực thế nào, hãy nghe cô đồng này tiết lộ: “Chính lúc đi xem cái sinh phần tôi gặp được ông cụ lão bộc và nhờ đó tìm hiểu được manh mối liên lạc với con trai cụ.

Người này đang làm việc chạy giấy cho một viên quan khác là anh của viên quan có con chết. Khi cậu công tử chết, bên Pháp có đánh điện về nhưng không gửi cho viên quan nọ mà gửi cho người anh để liệu bề an ủi người em trước khi cho biết rõ. Anh con trai cụ lão bộc đọc trộm bức điện, nên đã cho chúng tôi biết 3 điều ấy. Tất nhiên, việc làm này, chúng tôi phải rất khôn khéo mới moi được tin ở anh ta. Vì thế tôi đã biếu bố con ông cụ lão bộc 50 đồng. Sau vụ đó tiếng tăm của tôi vang lừng trong giới quan lại Bắc Kỳ. Họ thường đón chúng tôi về thiếp tới tấp”.

Những mánh lới bịp bợm và các câu chuyện nói trên là lời khai, lời thuật của chính những cô đồng khi tham gia lớp cải tạo mê tín dị đoan do trong cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc thập niên 1960 được Nguyễn Hoàng Điệp và Hoài Giang tập hợp vào cuốn sách Thế giới có gì thần bí.

Qua đây, chúng ta thấy rõ nghề đồng cốt gọi hồn cũng chỉ là một trò bịp bợm không hơn không kém. Chớ dại dột tin miệng các cô đồng mà rồi mất tiền thêm lo.

Theo: Đời sống và pháp luật

HẠT DỔI TÂY BĂC

Viết một bình luận