Nhìn những vết xăm trổ chằng chịt trên cơ thể, ít ai ngờ Trần Quốc Công từng nhiều năm tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Những đứa trẻ may mắn được đặt tên
Đôi mắt Công bừng sáng khi mỗi nhắc đến những cái tên Gia Bảo, Hương Ly hay Hạo Nam… bởi như lời anh – mỗi số phận ấy có mối duyên đặc biệt.
Trong “nhật ký” của mình, anh Công viết: “Lại một lần nữa bố phải chiến đấu với thời gian để giành giật sự sống cho con. Số mệnh đã cho con tiếng khóc chào đời, con phải cố gắng nhé. Thêm lần nữa bố được đặt tên cho một đứa trẻ mang họ Trần, đó chính là Trần Hương Ly – 2 ngày tuổi”.
Gần 1 tháng 16 ngày vật lộn với số phận, bé gái Hương Ly vừa chính thức được các bác sĩ thông báo có thể xuất viện với sức khỏe ổn định. Vui, buồn đan xen khi nhận tin này, anh Công ghi trong “nhật ký” của mình: “Con gái! Hôm nay, bố vui vì nhận tin con sắp được ra viện, chính thức vượt qua ngưỡng cửa sinh tử. Nhưng lại rất buồn vì bố không được nuôi con nữa… Chỉ mong con sau này sẽ được nhận vào một gia đình tử tế, có điều kiện để có đầy đủ mọi thứ như những đứa trẻ khác, con nhé. Chúc con bình an. Yêu con Trần Hương Ly – 1 tháng 18 ngày”.
“Trông Công dữ dằn nhưng thẳng và tốt tính. Mỗi lần đêm hôm lên tắm cho các hài nhi, Công đều âm thầm đến làm rồi về, không gọi điện cho tôi một tiếng vì sợ phiền… Từ khi biết Công, không đám chôn cất hài nhi nào mà thiếu mặt hắn cả.”
Cô Nguyễn Thị Nhiệm, quản lý nghĩa trang hài nhi Đồi Cốc, Sóc Sơn
Nhắc về những đứa trẻ được mình đặt tên, anh Công vẫn da diết nhớ về bé Trần Ngọc Gia Bảo cho dù bé chỉ có thể sống được 18 ngày vì thể trạng sinh non yếu và mắc bệnh truyền nhiễm. Đó là ngày đầu tháng 3, sau khi nhận được tin nhắn có trẻ sinh non tháng bị bỏ rơi ở một phòng khám chui, nhóm anh Công tức tốc có mặt. Ôm trên tay một hài nhi tím ngắt, hơi thở đứt quãng, báo hiệu cái chết đang ập tới, nhưng anh Công vẫn quyết định đưa bé vào cấp cứu ở bệnh viện gần nhất với hy vọng mong manh còn nước, còn tát. “8 ngày, con chiến đấu với tử thần, sức sống của con mãnh liệt quá. Con đừng bỏ cuộc, con trai nhé”… “13 ngày, con đã dứt điểm được bệnh truyền nhiễm, bác sĩ thông báo con uống được sữa”… Thế nhưng diễn biến bất ngờ ở ngày thứ 17 khiến sức khỏe bé Gia Bảo suy yếu trầm trọng. “Ngày 28/3, con trút hơi thở cuối cùng, tròn 18 ngày tuổi. Đấy là một cậu bé kiên cường, mạnh mẽ”, anh Công trầm giọng chia sẻ. Trọn vẹn lễ tang, ngày tuần, ngày rằm của bé Gia Bảo đều được anh Công chu toàn sau đó.
Ngay khi bài viết này được thực hiện, trong phòng hồi sức chăm sóc trẻ non tháng BV Nhi T.Ư, bé Trần Hạo Nam – đứa trẻ vừa được nhóm anh Công cứu vào ngày đầu tháng 5 vừa qua, cũng đang mạnh mẽ chiến đấu với thần chết. “Các bác sĩ nỗ lực hết sức, còn mọi người vẫn luôn cầu nguyện, dõi theo mong con chiến thắng số mệnh của mình”, anh Công cho biết. Những thông tin về cậu bé Hạo Nam thường xuyên được anh cập nhật: “Mừng quá, Hạo Nam uống được sữa rồi, dù chỉ 5ml”, hay “Con lại nhiễm trùng rồi. Cố lên Hạo Nam, mọi người vẫn cầu nguyện cho con đấy”… Và dù bận đến mấy, anh em trong nhóm của Công vẫn luôn bố trí người túc trực ở viện hàng ngày để cập nhật, theo dõi và hỗ trợ bé Hạo Nam.
Công việc thầm lặng bên những hài nhi xấu số
Hạo Nam, Hương Ly hay Gia Bảo… là những đứa trẻ đặc biệt may mắn có cơ hội làm người khi được anh Công và nhóm bạn trẻ cứu vớt trên hành trình gom nhặt những hài nhi xấu số.
Câu chuyện bắt đầu cách đây hơn một năm khi anh Công được người bạn quen biết trong nhóm thiện nguyện BV K T.Ư cơ sở Tân Triều rủ “đi tắm cho hài nhi” ở nghĩa trang Đồi Cốc, Sóc Sơn. Một công việc mà anh chưa từng nghĩ đến trước đó. “Bác tắm con sạch sẽ, mặc áo mới, chôn cất để con có cơ hội đầu thai nhé”, Công rủ rỉ trong cái lần đầu tiên ấy và từ đó, duyên nghiệp đã gắn anh và nhóm bạn trong hành trình cứu giúp, gom nhặt những hài nhi bị bỏ rơi.
Nhóm thiện nguyện gom nhặt hài nhi xấu số của Trần Quốc Công không cố định thành viên, thường duy trì 4-5 người chủ chốt. Nhóm cũng không kêu gọi bất kỳ sự hỗ trợ tài chính, ngoại trừ hiện vật đóng góp như tiểu sành, quần áo, khăn mũ dành cho việc chôn cất hài nhi. Hầu hết chi phí cho các bé sơ sinh cấp cứu tại viện, cũng như quy tập hài nhi xấu số đều từ tiền cá nhân của Trần Quốc Công và một phần nhỏ từ chia sẻ của những người hảo tâm.
Bất kỳ lúc nào nhận được tin nhắn, hay cuộc gọi thông báo có xác hài nhi, anh hoặc thành viên trong nhóm nhanh chóng lên đường. Những hài nhi ấy có thể chưa đủ hình người nhưng cũng rất nhiều là những đứa trẻ bị bức tử sinh non khi đã ở tuần thai thứ 34, 35. “Có lẽ anh em trong nhóm vẫn nhớ mãi lần thu gom cặp hài nhi nữ sinh đôi đẹp như thiên thần bị ép sinh non, mà chắc chỉ khoảng 2 tuần nữa là đủ ngày, đủ tháng để chào đời. Ai cũng rơi nước mắt khi chứng kiến điều đó. Xót xa đến cùng cực”, anh Công tâm sự. Những hài nhi ấy được đưa về, thường được chính tay anh tắm táp sạch sẽ, sắp xếp lại gọn gàng, quấn trong những tấm khăn xô trắng… trước khi quy tập về nghĩa trang Đồi Cốc.
Suốt cuộc trò chuyện đó, anh Công hiếm khi nói về mình: “Em có một vợ và hai cô con gái. Công việc tự do liên quan đến tài chính, bất động sản và cho thuê xe”. Thế nhưng chuyện về những chuyến thiện nguyện làm phúc cho những hài nhi chưa từng thấy ánh mặt trời… kéo dài mãi như không muốn ngừng.
Chia sẻ về lý do trang facebook cá nhân của mình thường livestream những buổi tắm cho những hài nhi xấu số hay hành trình cứu trẻ sinh non…, anh Công bảo: “Em mong muốn mọi người cùng nhìn vào đó và ngẫm. Những hài nhi này hoàn toàn vô tội. Có thể vì một lý do nào đó không thể giữ lại đứa con, nhưng người mẹ, người cha ấy hãy đón lấy chúng, lo hậu sự cho chúng, đừng nhẫn tâm với chính giọt máu của mình”.
Theo Giao thông