Nhân viên kỹ thuật ấn cửa lò đưa xác vào hỏa táng, sau 1 tiếng quan tài cháy, chỉ còn phần xương…
Nhân viên kỹ thuật ấn cửa lò đưa xác vào hỏa táng, sau 1 tiếng quan tài cháy, chỉ còn phần xương, nhiệt độ trong lò từ trên 1.000 độ C được hạ xuống để thiêu hết tạp chất còn lại.
Buổi sáng một ngày cuối xuân, tôi đến Đài Hóa thân Hoàn Vũ – nghĩa trang Ninh Hải (thuộc Công ty TNHH MTV phục vụ mai táng Hải Phòng) như đã hẹn với anh Lê Văn Thanh – nhân viên bảo vệ tòa Bách linh. Trong cái giá lạnh tháng 3, mưa và gió lùa từng cơn khiến cho không khí nơi này càng âm u.
Mới vào đến đầu cổng nghĩa trang đã thấy chật ních người phía khu nhà hỏa táng. Từng nhóm, từng nhóm người đứng chờ đến lượt vào lo hậu sự cho người thân mình đã qua đời. Cách đây tròn 11 năm, khi tôi đến nơi này lần đầu tiên là lo an táng cho mẹ đẻ thì đây là lần thứ 3. Lần thứ 2 là cách đây vài tuần, để lo an táng cho cha chồng.
Quả thật, cái cảm giác ngại ngùng, sờ sợ vẫn đeo bám và âm khí bao phủ không gian càng làm cho cái rét trong người tăng thêm. Thắp hương cho người quá cố xong, trong lúc chờ anh Thanh đang dở công việc ở phòng tiếp dân, tôi thắp một nén nhang ban Thổ thần như muốn xua đi cái lạnh mà không phải chỉ do thời tiết đem lại.
Xong việc, anh Thanh quay lại tiếp chuyện với tôi và cho biết, ngày hôm ấy có tất cả 21 ca, lúc bấy mới có gần 9h. Nhớ lại thời lo hậu sự cho mẹ, năm 2003, khi ấy Đài hóa thân Hoàn Vũ mới thành lập được 1 năm, mới có gần 500 ca hỏa táng, trong đó có gần 100 bình tro của người mất được lưu giữ tại đây thì đến nay, anh Thanh cho biết đã có hàng vạn ca được thực hiện. Do nhu cầu về hỏa táng cho người mất ở Hải Phòng ngày càng tăng, chưa kể ở các địa phương lân cận, nên công ty đã xây thêm nhiều tòa bách linh. Hiện toàn đài có 1 tòa bách linh để gửi tro người mất vĩnh viễn, gồm 236 ô; 5 tòa khác với tổng cộng 1.624 ô để giữ tro có thời hạn. Ngay đầu năm 2014, đài đã được xây mới thêm tòa bách linh khu E với 260 ô.
Trò chuyện với người bảo vệ tòa bách linh đã có thâm niên làm việc bằng với số “tuổi” của Đài hóa thân – 12 năm, tôi không hề có cảm giác anh Thanh cũng như các đồng nghiệp của mình đang hàng ngày sống giữa cõi âm. Dáng dấp nhanh nhẹn, giọng nói dứt khoát, khoác trên người bộ đồng phục của nhân viên mai táng, anh cho biết anh đã trải qua hết các phần việc của một cuộc an táng người chết.
Khi xe tang đưa quan tài xuống nhà hỏa táng đã có nhân viên đón sẵn để hướng dẫn thân nhân người quá cố vào nhà lễ tang. Xong phần nghi lễ gồm đọc lời chia buồn, vĩnh biệt lần cuối với gia quyến, nhân viên ở đây chuyển thi hài vào phía nhà lò hỏa táng trên diện tích chừng 400m2, nơi đặt 3 lò thiêu. Nhân viên kỹ thuật trong khu nhà lò sẽ nhận được tờ viết lời chia buồn có tên của người quá cố và giữ trong suốt quá trình lò vận hành, nhằm tránh sự nhầm lẫn.
Từ đây cũng bắt đầu công việc của nhân viên chuyên môn vận hành lò thiêu và xử lý tro cốt. Nhân viên kỹ thuật ấn cửa lò đưa xác vào hỏa táng, sau 1 tiếng quan tài cháy, chỉ còn phần xương, nhiệt độ trong lò từ trên 1.000 độ C được hạ xuống để thiêu hết tạp chất còn lại. Nếu tạp chất là kim loại thì sẽ được lấy ra đem tiêu hủy.
Trong lúc thiêu tạp chất, phần cơ thể đã thành tro được bộ phận xử lý đem làm nguội, sau khoảng nửa giờ, tro nguội được xếp gọn gàng trong tiểu, quách, bảo đảm sạch sẽ, tuyệt đối không mùi. Xong xuôi, quách được chuyển ra phòng lễ tân và các nhân viên tại đây sẽ thực hiện thông báo, trả tro cho thân nhân người chết. Tuyệt đối không được xảy ra một sự nhầm lẫn nào ở công đoạn này – đó là nguyên tắc – anh Thanh khẳng định như vậy.
Lý giải cho chúng tôi về sự tuyệt đối không có “mùi” của thi hài ở trong nhà lò hỏa táng, anh Thanh cho biết, do hệ thống đốt trong lò dùng các téc gas rất sạch sẽ và nhiệt độ trong lò lên tới trên 1.000 độ C. Ngoài ra, trong lò còn sử dụng hệ thống điện để điều khiển đưa lò lên, xuống, làm quạt gió, hút tro bụi… Trung bình mỗi ngày có trên 20 ca hỏa táng thì mỗi tháng các công nhân trong lò thực hiện tới gần 700 ca như vậy.
Nhiều là thế nhưng khi “tất cả” đã trở về tro bụi thì không có một sự phân biệt nào trong việc bảo vệ, quản lý – anh Thanh bộc bạch về việc chăm sóc, trông nom, bảo quản các bình tro tại Đài hóa thân Hoàn vũ.
Với tổng cộng trên 20 năm kinh nghiệm trong nghề mai táng, có hàng vạn ca hỏa táng, anh Thanh và đồng nghiệp ở đây chứng kiến bao cảnh đau đớn phân ly. Bên cạnh những đám tang nghi lễ trang trọng, có những người “ra đi” không “lấy” được một giọt nước mắt nào của người thân. Thế rồi, khi nắm tro còn ấm sực trong bình sứ nhưng những người thân cũng cứ phó mặc cho đài hương khói. Và anh Thanh cùng 5 anh em khác trong bộ phận bảo vệ vẫn thay nhau chăm sóc. Dở khóc dở cười là vậy nhưng sự sẻ chia luôn thường trực ở các anh. Cả khi có những người trước khi đi xa muốn đến thắp hương cho người thân đã mất thì dù cả vào nửa đêm, các anh cũng sẵn sàng mở cửa tòa bách linh. Tuy nhiên, một phút cũng không được bất cẩn.
Đã từng xảy ra chuyện đau lòng ở Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển (Hà Nội) cách đây không lâu về việc 2 anh em cùng mẹ khác cha tranh giành nhau bình tro người mẹ xấu số theo mục đích riêng đến mức cơ quan chức năng phải đứng ra giải quyết…
Theo anh Thanh, việc bảo vệ tòa bách linh có thể phục vụ người thắp hương vào bất kể giờ nào nhưng người đó phải có “Thẻ gửi tro cốt” thì nhân viên mới mở cửa tòa bách linh để tránh việc mất bình tro hoặc người lạ vào yểm bùa hay làm những việc mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự tòa bách linh.
Có lần tôi đã được nghe Thượng tọa Thích Nguyên Bình – sư trụ trì chùa Đồng Quang, thị trấn An Dương, huyện An Dương, nói về các hình thức an táng như: thiêu (hỏa táng); chôn (địa táng); mang thi hài lên rừng cho các con thú phanh ra (lâm táng), lên núi cho kền kền rỉa (điểu táng), thả trôi sông (thủy táng). Tuy nhiên đến nay, việc hỏa táng trở thành phổ biến vì tính văn minh, hơn nữa, nhà Phật còn cho rằng: nếu người chết “đi” vào giờ trùng thì hỏa táng tránh được tất cả những hệ lụy, ưu phiền. Phải chăng trong nhận thức của xã hội giờ đây đã thay đổi quan niệm về hình thức mai táng này nên nhu cầu về hỏa táng ngày càng gia tăng.
Hiện Đài hóa thân Ninh Hải không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân Hải Phòng mà còn cả của bà con các tỉnh lân cận, thậm chí từ Nghệ An, Thanh Hóa ra. Không ít ca phải thiêu vào đêm, vì thế cả bộ máy của đài thức thâu đêm luôn. Anh Thanh cho biết, nếu như trung bình hiện tại có khoảng 6.000 ca hỏa táng/năm ở Ninh Hải thì số ca địa táng chỉ vào khoảng 3-400 ca/năm.
Sau gần 12 năm thành lập đài hóa thân và đi vào hoạt động, 44 con người ở đây đã dày dặn kinh nghiệm hơn, từ sự đón tiếp. Hơn thế, người dân cũng thấy hài lòng hơn mỗi ngày bởi ngôi chùa Ninh Hải có trong đài đã hơn 20 năm, nay được Công ty TNHH MTV phục vụ mai táng Hải Phòng trùng tu, nâng cấp bằng tiền công đức của người dân, đã mở cửa hàng ngày để đón các gia đình vào cầu siêu cho các chân linh.
Anh Thanh tâm sự: “Làm nghề này không được phép sợ, nhưng thần kinh con người không phải là thép…”. Là đàn ông nhưng các anh đã phải khóc nhiều lần trước cảnh thương tâm và sự nuối tiếc của gia quyến khi người thân của họ rời xa vĩnh viễn.
Rất nhiều người tò mò hỏi anh đã bao giờ gặp ma thì anh Thanh khảng khái: “Sống giữa cõi âm nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp ma”, cái khái niệm ấy nghe ra rất quen nhưng thực tế không phải vậy. Làm việc mẫn cán, trong các anh đều mang một suy nghĩ “đừng làm phật ý người đã khuất”.
Phải chăng vì ý nghĩ duy tâm ấy mà 44 con người ở đây thấy gắn bó, yên tâm với nghề của mình hơn. Trong câu chuyện về nghề của mình, hằng ngày sống giữa cõi âm nhưng họ vẫn rất lạc quan và cái tâm cái tình của người làm nghề luôn hiển hiện.