Trùng tang liên táng: Một người mất đưa cả nhà đi theo

Nhiều người vẫn đồn với nhau về chuyện trùng tang, đây là điều đáng sợ khiến nhiều gia đình điêu đứng vì những người thân cứ nối đuôi nhau qua đời

Trùng tang hay trùng tang liên táng như một truyền thuyết vẫn lưu truyền người chết oan uổng “chết không nhắm được mắt”…. sau khi chết sẽ không yên lòng ra đi mà lại quanh quẩn, vương vấn nhân gian về bắt con, cháu, họ hàng đi theo.

Những cái chết liên tiếp đầy bí ẩn

Trùng tang hay trùng tang liên táng như một truyền thuyết vẫn lưu truyền người chết đã “đúng số” chưa, hay chết oan uổng “chết không nhắm được mắt”…. sau khi chết sẽ không yên lòng ra đi nhập cõi Niết Bàn hoặc luân hồi chuyển thế mà lại quanh quẩn, vương vấn nhân gian về bắt con, cháu, họ hàng đi theo. Nhanh thì trong vài ba ngày thậm chí ngay vài tiếng đồng hồ sau, còn chậm thì trong vòng 1 năm đến 3 năm để tang.

Trừng tang liên táng
Trừng tang liên táng

Những truyền thuyết này đậm màu kỳ bí ghê sợ vẫn lưu truyền trong dân gian từ xưa tới nay. Nó luôn mang tới những nỗi hãi hùng cho gia đình, dòng họ khi gặp phải. Tuy nhiên trong thực tế ngày nay hiện tượng “trùng tang” này, nhiều người thừa nhận đây hoàn toàn là câu chuyện có thật. Thậm chí có người còn khẳng định đã từng chứng kiến nhà có nhân đinh đông đúc đến 5-6 người nhưng chỉ vài ba năm lại phải chịu cảnh tuyệt tự.

Bản thân là một cán bộ công chức tại tỉnh Thái Nguyên, chưa khi nào anh Thành tin vào chuyện cúng bái, lễ lạt nhưng rồi mọi nếp nghĩ đã thay đổi sau khi anh chứng kiến những cái chết li kì ngay trong chính gia đình mình.

Ông nội anh sinh năm Mậu Thìn 1928, mất năm 2001 vì ung thư gan vào đúng giờ Tỵ, ngày Tỵ, tháng Tỵ. Hai năm sau đó, bà nội anh đột nhiên ốm nặng. Khi biết bà khó qua khỏi, gia đình vội vã lo cải táng cho ông nhưng khi chưa cắt tang xong thì sáng cùng ngày bà đã mất. Kế đó, khi chưa qua 100 ngày bà mất thì anh trai cả anh Thành không may bị điện giật qua đời ở tuổi 52. Quá lo sợ vì những người thân thích đột ngột ra đi liên tiếp, vợ chồng anh Thành đã phải đánh xe xuống tận Hà Nội xem bói theo lời giới thiệu của người quen và được thầy phán là “trùng tang”, cần phải làm lễ hóa giải mới mong thoát tai ương.

Trường hợp của gia đình anh Hải (Thái Thuy, Thái Bình) còn thương tâm hơn. Anh cho biết ông nội anh mất từ khi anh chưa ra đời, đến cuối năm 1997 bà nội mất. Năm 1998 liên tiếp mẹ anh, bố anh rồi bà ngoại mất trong vòng chưa đầy 80 ngày. Mộ cũ chưa xanh cỏ, mộ mới lại đắp lên, gia đình lo lắng, hoảng hốt đến mất ăn mất ngủ. Vợ anh đêm nào cũng nằm mơ các cụ quay về dọa bắt tiếp con cháu. Bạn bè mách nước, gia đình anh phải đi đón pháp sư tận Bắc Ninh về trấn bùa.

Cách đây gần hai năm, nhiều tờ báo đưa tin về trường hợp “trùng tang” ở quận Tây Hồ, Hà Nội rất đáng sợ. Đó là một gia đình trong một ngày xảy ra hai cái chết của bố chồng và nàng dâu cách nhau chưa đến 5 tiếng đồng hồ. Điều đáng nói là người con dâu đang khỏe mạnh bình thường, vẫn còn đang tất bật chuẩn bị “hậu sự” cho bố chồng thì bỗng nhiên đột tử vì cảm. Để tránh không chôn cất cùng một giờ, hơn nữa chưa được “giờ đẹp” nên người bố được hạ huyệt trước, sau đó người con dâu mới được khâm liệm và hạ huyệt sau. Khỏi phải nói, gia đình đó hoảng sợ đến mức nào, nhất là người con trai cả, đồng thời cũng là chồng của người vợ quá cố. Anh rất lo lắng cho đứa con trai độc nhất 15 tuổi và cả bản thân mình vì người ta bảo nhà anh bị “trùng tang”. Từ trước tới nay, anh có biết “trùng tang” là gì đâu, hơn nữa những câu chuyện như vậy chả mấy khi anh quan tâm. Nhưng khi gia đình mình cùng lúc có hai cái chết của bố và vợ anh thì anh hoảng hồn thật sự, đến nỗi ai bảo gì, anh làm nấy để tránh chuyện tương tự sẽ xảy ra.

Tương tự, tại một gia đình ở ngay phố Ngọc Hà, quận Ba Đình cũng xảy ra những cái chết như vậy. Chỉ khác là gia đình này, trong vòng ba năm, 2 người con trai duy nhất trong gia đình đều “đi” theo bố một cách “bất đắc kỳ tử”. Người bố thì sau một thời gian bị bệnh nan y thì qua đời khi ở tuổi “thấy thập cổ lai hy”. Nỗi đau của những người trong gia đình chưa qua thì chỉ sau cái lễ 100 ngày của ông ít hôm, lại đến con trai trưởng của ông mất. Cái chết của anh ở tuổi “vẫn còn đang xoan” không chỉ khiến cho người ta thương tiếc mà còn làm cho câu chuyện “trùng tang” được tin và thêu dệt nhiều hơn. Đêm hôm trước, anh vẫn còn ngồi quán nước và nói chuyện oang oang về thế sự, không một chút biểu hiện của người ốm, bệnh tật. Thế mà sớm hôm sau khi vợ gọi anh dậy để đỡ chị dọn hàng bán đồ ăn sáng như mọi khi, anh đã mãi ngủ không bao giờ dậy. Liên tiếp hai cái chết xảy ra trong vòng hơn 3 tháng, tưởng như gia đình anh không thể gắng gượng được. Vậy mà chưa hết, 2 năm sau, người con trai út đang phơi phới tuổi xuân bỗng dưng một chiều đi làm về kêu mệt, vào giường nằm rồi mất lúc nào không ai biết. Cả gia đình nhốn nháo, hoảng loạn. Không ai giải thích được nguyên nhân vì sao chỉ trong thời gian ngắn mà cả 3 người đàn ông trong nhà đều ra đi, ngoài lý do duy nhất: “trùng tang”. Và “trùng tang” như thế được gọi là “trùng tang liên táng”

Trùng tang là gì? Trùng tang được hiểu như thế nào?

Như vậy, “Trùng tang là tình trạng trong thời gian chưa mãn Đại Tang, hoặc chưa mãn tang bà con gần, lại tiếp theo 1 cái đại tang hoặc 1 cái đại tang gần khác”. Hoặc có thể gọi trùng tang là tang chủ phải mang ít nhất 2 vòng khăn tang trong cùng một thời điểm. Trong nhà, người thân vừa nằm xuống lại có nguy cơ liên táng là đáng lo ngại. Dân gian cho rằng trùng tang là người qua đời gặp ngày xấu giờ xấu cần hoá giải để tránh nguy cơ.Trùng tang được dân gian truyền khẩu nôm na là một người chết vào thời điểm xấu nên không thể siêu thoát được, có thể không biết mình đã bị chết nên quay lại gọi những người thân của mình đi theo, gây nên cái chết cho những người thân của người quá cố. Và không ít người cho rằng “trùng tang” là một hiện tượng bí ẩn có thật trong cuộc sống và gia đình nào không may mắc phải thảm họa này thì chỉ còn nước cậy nhờ các pháp sư cao tay.

Các trường hợp được coi là Trùng tang

– Trùng tang ngày:  Tức là trong gia đình họ hàng sẽ có người chết theo ngay, tính từ lúc có người chết trùng cho đến 3 ngày sau. Nhiều khi người này chưa kịp chôn thì người tiếp theo đã chết. Đây là trùng tang nặng nhất, làm cho gia đình không kịp trở tay vì cũng chưa biết là có chết trùng.

– Trùng tuần đầu: Tính từ lúc chết cho đến hết tuần đầu, đây cũng là trùng tang khá nặng và có thể kéo dài đến 49 ngày – tức là cúng 49 ngày đó.

–  Trùng tang năm: Nhẹ hơn nữa tức là xảy ra vào những ngày sau đó, kéo dài cho đến hết 3 năm và có thể hơn tuỳ thuộc vào thời gian bốc mộ lên mộ tròn. Nhiều khi sự việc xảy ra vào đúng ngày cuối cùng ngay trước hôm bốc mộ do gia đình không kiêng khem cẩn thận. Sở dĩ nói trùng này là nhẹ nhất vì gia đình có nhiều thời gian để đi cứu giải.Bên cạnh đó, việc trùng nặng hay nhẹ do giờ của người chết trùng quyết định. Việc này mọi người có thể tự tìm hiểu hay nhờ các ông thầy hoặc các nhà sư cao tay xem cho. Vì vậy khi nhà có người mất thường nên đi xem ngay để nếu không may chết trùng gia đình còn kịp xoay xở.

Các quan điểm về trùng tang liên tán

– Theo quan niệm của lịch số Trung Hoa: Ngày trùng tang là ngày đại kỵ trong việc an táng, chôn cất. Ngày này còn có tên là ngày cướp sát.Cách tính ngày này như sau: Đối với tuổi Thân, Tý , Thìn kỵ Tỵ. Có nghĩa là người chết tuổi Thân hay tuổi Tý hoặc tuổi Thìn mà mất vào năm Tỵ, tháng Tỵ, ngày Tỵ và giờ Tỵ là bị chết vào ngày trùng tang, tuyệt đối tránh an táng vào ngày Tỵ.Tương tự như thế đối với các tuổi Tỵ, Dậu, Sưủ kỵ Sưủ, Dần, Ngọ, Tuất kỵ Hợi, Hợi, Mão, Mùi kỵ Thân. Những ngày trùng tang này rất hiếm trong năm.

– Theo quan niệm dân gian:  Nếu chôn cất vào những ngày trùng tang này thì sau khi an táng xong, một thời gian ngắn sau có thể những người khác trong thân tộc sẽ chết theo. Trong trường hợp khoảng vài tuần, vài tháng hoặc trong vòng ba năm có nhiều người chết liên tiếp thì bị trùng tang liên táng. Ngày trùng tang (trùng nhật) là ngày Dần, Thân, Tỵ, Hợi cùng trùng ngày, trùng tháng và trùng năm. Như ngày Dần, tháng Dần và năm Dần; ngày Thân tháng Thân và năm Thân… gọi là những ngày trùng. Vào những ngày trùng, kiêng kỵ tẩm liệm, chôn cất và cải táng. Người chết với bất cứ tuổi nào cũng đều xung kỵ ngày này. Trong dân gian tin rằng nếu chôn cất vào ngày trùng ắt sẽ có một người thân bị chết theo, tuy vậy vẫn nhẹ hơn trùng tang liên táng.

– Đối với Phật giáo: Sống chết là chuyện thường nhiên, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Sống và chết chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Nghiệp tuy có chung và riêng, song nghiệp riêng vẫn giữ vai trò chủ động, quyết định và có tính cách độc lập, không ai có thể thay thế cho ai. Vì thế, Phật giáo không có quan niệm về ngày trùng tang, trùng nhật và hoàn toàn phủ nhận việc ngày giờ chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác.Tuy nhiên, vì tập tục này ăn sâu vào tâm thức mọi người nên một vài nơi, trong tinh thần phương tiện, nhà chùa vẫn khuyên các Phật tử không an táng thân quyến vào những ngày trùng, nhằm giúp họ an tâm để chu toàn tang lễ đồng thời nỗ lực cầu nguyện, khai thị, làm phước hồi hướng cho hương linh. Đây mới là những điều cần làm để ” âm dương lưỡng lợi” theo quan điểm Phật giáo.”

Các cách hóa giải Trùng tang

Trong cuộc sống, do quy luật sinh, tử nên cái chết là sự không thể tránh, nó lại thiên hình vạn trạng: Chết già, chết do bệnh tật, chết do tai nạn, chết do thiên tai, chết do chiến tranh, đói rét… Có người chết tại nhà, có người chết ở bệnh viện, có người chết đường, chết chợ. Có người thanh thản ra đi, có người “chết không nhắm được mắt”.Người chết đã đành người thân còn sống cứ băn khoăn, áy náy không hiểu người chết đã “đúng số” chưa, hay chết oan uổng… và ảnh hưởng của người chết với người sống như thế nào? Đây là những câu hỏi thường trực trong đời sống tâm linh và cũng là nguyện vọng của những người còn sống với vong linh người đã khuất và cũng để giải toả cho chính mình. Chính vì thế mà khái niệm về trùng tang, nhập mộ đã ra đời. Từ quan niệm “trùng tang”, dân gian đã nghĩ ra nhiều cách để hoá giải vận hạn này dù chưa thật rõ bản chất của hiện tượng này là gì.

Theo kinh nghiệm dân gian, sau khi tính toán, phát hiện ra người chết phạm vào giờ trùng thì ngay lập tức phải áp dụng các phương pháp “điều trị”. Có nhiều cách giải trùng tang được dân gian kể như: Khi niệm, nhấc lên nhấc xuống 3 lần; Khi đậy nắp quan tài, nâng nắp 3 lần; Khi hạ huyệt nhấc lên nhấc xuống 3 lần. Nếu ở quê, đất rộng thì đào một huyệt giả bên cạnh, khi lấp quan tài thì lấp luôn huyệt giả; Đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất…

Ngoài ra, còn 1 cách nhanh nhất là vào chùa xin nước cúng Phật trên Tam Bảo, sau khi chôn xong lấy nước ấy rưới đều xung quanh mộ để cắt trùng. Tuy nhiên dân gian truyền tụng, cách duy nhất để hóa giải là phải “nhốt trùng”. Nếu trùng nhẹ thì có thể đưa lên một ngôi chùa gần nhà, hàng ngày các nhà sư sẽ đọc kinh niệm Phật để người chết được siêu thoát. Còn nếu “trùng nặng” bắt buộc phải gửi vào chùa Hàm Long – được đồn đoán là trung tâm “nhốt trùng” lớn nhất cả nước ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ – Tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây từ ngày xưa , các vị sư tăng đã có những phương pháp Trấn Trùng rất huyền bí mà hiệu quả

Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, đây là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ, một chân tu đắc đạo gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ. Từ ngàn xưa đồn rằng, nơi đây những vị cao tăng đã có phương pháp trấn yểm trùng huyền bí mà hiệu quả. Nơi đây còn có bộ ván in khắc phù giải “trùng tang liên táng” từ mấy trăm năm nay. Từ trong Nam ngoài Bắc trùng tang đều đem về đó gửi. Người nhà đưa di ảnh của người quá cố lên chùa sẽ được các sư hướng dẫn cụ thể cách kiêng kỵ. Những người sống trong gia đình được giữ lá bùa trong ba năm để đề phòng tai hoạ. Hàng ngày vào buổi sáng các nhà sư tụng kinh niệm phật cúng vong rất cẩn thận. Còn vào buổi chiều, các sư ở đây phải nấu một nồi cháo to, cúng thí thực cho Trùng và vong bị nhốt ở đây, bữa nào quên là gà vịt của dân quanh vùng thay nhau chết la liệt.

Ngoài ra , tại miền Bắc Việt Nam , từ xưa đã có các môn phái Pháp Sư theo Bắc Tông , Pháp sư các môn phái Phù thủy của đồng bằng bắc Bộ nhất là tại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định … có khả năng hóa giải Trùng tang liên táng rất hay . Theo đại Đức Thích Bản Quyền, Trụ trì chùa Phúc Long (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) có lẽ phương pháp “cắt trùng” tốt nhất là theo cách của Phật giáo Mật tông. Các sư sẽ lập đàn cầu siêu cho trùng được siêu thoát và hồi hướng công đức cho vong. Phương pháp này dùng những năng lực siêu độ của Phật khiến cho trùng sớm siêu thăng tịnh độ, không còn làm ác được nữa.

Chú ý khi hóa giải trùng tang bằng cách “nhốt trùng”:

– Thứ nhất: khi đưa vong lên chùa, phải nhờ người không phải là họ hàng, nếu không cũng phải nhờ bên ngoại. Vì vong chết trùng thường rất khôn ngoan, nếu thấy người quen đưa đi thì sẽ đi theo về hoặc tệ hơn thì vong sẽ biết trước và không đi theo. Do vậy, tuyệt đối không được bàn chuyện tiễn vong lên chùa ở nhà có người khuất.

– Thứ hai: sau khi đưa di ảnh của người quá cố lên chùa gia đình sẽ được phát lá bùa đeo giữ trong suốt ba năm. Bùa này có một mặt là chữ Nho, một mặt là hình Phật Bà Quan Âm. Sau khi giải vong, gia đình sẽ được hướng dẫn cụ thể về cách kiêng kỵ.

– Và cuối cùng: bắt buộc ở nhà không được lập bàn thờ cúng người đã chết, kể cả ngày giỗ, Tết. Vì có hương là có hồn, chỉ cần đọc tên người đã khuất, coi như là chìa khóa để mở ngục để đưa người chết ra ngoài.

Tuy nhiên, theo đánh giá, cách này tuy hiệu quả nhưng lại rất nguy hiểm. Nếu công lực của người trấn yểm không cao thì khi người đó chết đi, trùng sẽ thoát được ra ngoài, gây ảnh hưởng nặng cho bản thân người đến cậy nhờ và cả gia đình của người trấn yểm.

Dù vậy, đây chỉ là những phương pháp hoá giải đầy huyền bí, không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục.

Sau đây là một số bước cần làm để hóa giải trùng tang liên táng theo đúc kết trong dân gian:

(1) Xin tro hóa vàng tại chùa, và rải đều thành lớp dưới hố trước khi hạ quan tài.

(2) Gửi vong lên chùa để “nhốt trùng”. Những ngôi chùa được chọn phải là chùa có uy tín trong việc giữ vong.

(3) Dùng bài thuốc trấn trùng với các vị như thần sa, chu sa, sương luật, địa liền… cho vào túi rồi yểm trong quan tài.

(4) Dùng các bộ linh phù để trấn bằng cách dùng linh phù để gối đầu người đã khuất, dán lên giữa ngực, giữa rốn, hoặc lót dưới quan tài.

(5) Dùng bài thuốc kết hợp giữa Sớ, Phù Bắc Tông và Kỳ nam để xông vào mộ và người sống, để cầu siêu, giải thoát cho trùng, biến từ âm binh thành thiên binh.

(6) Áp dụng phương pháp làm huyệt giả, đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất hay dùng thần chú, Bát quái trận đồ trấn âm trạch để hoá giải.

(7) Tìm 1 bộ bài Tổ tôm cũ (tức là đã chơi cũ rồi) bỏ mấy con Bát sách đi, số còn lại lấy rải đều ở 4 góc quan tài trong lúc đang liệm.

Giải nghĩa Trùng tang theo khoa học

Trùng tang liên táng hoàn toàn có thật. Cho đến nay có rất nhiều nhà khoa học nghiên cứu về bản chất của hiên tượng “trùng tang” nhưng lại chưa có một công trình khoa học nào giải thích được hoàn toàn bản chất của hiện tượng này. Ngay đến một số nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cũng không muốn đưa ra bất kỳ phát biểu nào xung quanh hiện tượng này. Chúng ta cùng theo dõi xem các nhà khoa học đưa ra lý giải như thế nào theo một số lĩnh vực khoa học:

Theo quan điểm khoa học về lý thuyết xác xuất thông kê: Chúng tôi tìm đến Đại tá, TS. Đỗ Kiên Cường – tác giả của nhiều cuốn sách, lý giải các hiện trường dị thường trong đời sống dưới góc nhìn khoa học để mong tìm được lời giải đáp thoả đáng.Đứng trên quan điểm khoa học, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng “trùng tang” chỉ đơn giải là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Trong đó bản chất của sự trùng hợp là luật số lớn trong lý thuyết xác suất và thống kê. Định luật này phát biểu đơn giản là: Với một mẫu xét đủ lớn, bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng có thể xảy ra.Cũng tương tự như vậy, với dân số trên 80 triệu người, và khoảng thời gian dài tới 1.000 ngày (3 năm) thì theo luật số lớn, hiện tượng “trùng tang” xảy ra đủ nhiều để khiến không ít gia đình khiếp sợ.

Để hóa giải “trùng tang”, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng yếu tố tâm lý là nhân tố quyết định. Trên thực tế, sự cầu cúng, “nhốt vong” … mà nhiều gia đình thực hiện thực chất chỉ là hoạt động trấn an, khiến những người đang hoảng sợ sẽ tĩnh tâm trở lại, bình tĩnh hơn trong mọi tình huống. Và khi đã thư thái trở lại, tâm lý thoải mái, diễn tiến của các căn bệnh có thể gây tử vong cũng có chiều hướng tốt hơn (yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng tới khoảng 9- 40% người bệnh). Y học cho rằng niềm tin có thể giúp con người khỏe mạnh hơn về thể chất và tinh thần là vì vậy…Vì lẽ đó, cần phải hiểu một cách đúng đắn dưới góc độ khoa học để những nỗi sợ hão huyền về “trùng tang” không còn tồn tại. Theo TS. Đỗ Kiên Cường, việc có kiêng, có lành là quan niệm từ lâu trong dân gian, và chúng ta nên nhìn nhận nó dưới góc độ là bộ môn tâm lý học hiện đại chứ không phải theo các quan điểm siêu hình. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều “thầy” lại vin vào đó để lập đàn cúng tế, đốt vàng mã… gây tốn kém, hoang mang trong nhân dân là điều khó chấp nhận.

Theo quan điểm khoa học vật lý về năng lượng và từ trường: Trong quá trình nghiên cứu về hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng đó tương tự như một loài vật sống ký sinh trên xác người chết phạm vào giờ trùng. Đó chính là “Một trường năng lượng xấu tồn tại cùng với trường năng lượng của người chết phạm trùng”. Vì lý do “Đồng thanh tương ứng – Đồng Khí tương cầu” hay hiện tượng cộng hưởng tần số . . Theo Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương: Trước hết vì trong mối quan hệ này không có sự tiếp xúc xác thịt trực tiếp giữa hài cốt người chết và tần số của Trùng, nên tất yếu phải có phần sóng vô hình của cả đôi bên tham gia vào. Đó có thể là một hiện tượng cộng hưởng sóng mang tính chất huyết thống, dòng họ. Do tần số đôi bên có thể khác nhau nhiều, nên trong lý thuyết về Nhạc, loại cộng hưởng này mang tên cộng hưởng Harmonic (Tần số này là bội số của Tần số kia). Đó là cơ chế cộng hưởng Harmonic hình thái huyết thống. Chính điều này cũng giải thích được hiện tượng chỉ có những người cùng huyết thống với người chết phạm phải giờ trùng tang liên táng mới bị, còn những người khác và con Dâu, con Rể cùng sống trong gia đình không bị ảnh hường .

Theo quan điểm khoa học về di truyền học: Còn TS. Vũ Bằng, Phó Viện trưởng viện Công nghệ và Môi trường (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) lại đưa ra một cái nhìn khác về cái gọi là “trùng tang”. Ông nói: “Đến nay, nhiều người vẫn coi “trùng tang” là có thật và thường mời thầy cúng, pháp sư … đến trấn yểm, bắt ma. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, trong đời sống xã hội, bất cứ việc gì cũng có thể giải thích bằng khoa học được. Sau thời gian nghiên cứu, xâu chuỗi các sự kiện ở các gia đình cụ thể, tôi đã chứng minh cho nhiều người thấy rằng, không hề có “trùng”, ma quỷ như họ thường nghĩ”.

Theo các công trình nghiên cứu mà TS. Bằng được cấp bằng sở hữu trí tuệ thì “Trùng tang” thực ra là căn bệnh từ hóa. Căn bệnh này chưa từng có trong danh mục y học hiện đại cũng như cổ truyền. Khoa học chứng minh rằng, mỗi dòng họ đều có một cấu trúc cơ thể, gene khác biệt so với các dòng họ khác. Những người cùng huyết thống thì có cấu trúc cơ thể gần tương tự nhau. Thực tế cho thấy, nhiều dòng họ có cấu trúc hoàn chỉnh, tuy nhiên không ít dòng họ mang khiếm khuyết về cấu trúc. Khi mang khiếm khuyết lại bị tác động bởi môi trường xấu thì sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, hệ thần kinh và tuần hoàn thường dễ bị tổn thương và phá hủy nhất. Khi một dòng họ mang khiếm khuyết về mặt cấu trúc, sinh sống trong môi trường có từ trường dị biệt thì sẽ dễ bị mắc các loại bệnh tật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Thế nên mới có chuyện trong cùng một dòng họ, nhất là những người trong cùng một gia đình có cùng huyết thống… có những người chết cách nhau mấy ngày, một tháng, một năm…

Bên cạnh đó, việc mắc bệnh còn tùy thuộc vào sức khỏe, sức đề kháng của mỗi người. Còn việc trấn yểm, “nhốt vong” đơn thuần là biện pháp trấn an tư tưởng mà thôi.

Quan điểm lý giải này cũng phù hợp với cách giải thích, mô tả về hiện tượng trùng tang  theo quan điểm khoa học vật lý về năng lượng và từ trường được nêu ở trên.

Theo quan điểm về văn hóa:

Thế còn chuyện ly kỳ như trên tại chùa Hàm Long được người dân lan truyền mà chẳng biết kiểm chứng thực hư như thế nào. Họ đồn đoán rằng, mỗi buổi những nhà sư phải nấu một nồi cháo to cúng thí, nếu hôm nào quên là gà vịt của người dân quanh vùng bị chết hàng loạt. Khi đưa vong, đưa trùng lên chùa phải nhờ người không phải là họ hàng, nếu nhờ được bạn bè là tốt nhất, còn nếu không cũng phải nhờ người bên họ ngoại. Vì vong chết trùng thường rất khôn ngoan, nếu thấy người quen đưa đi thì thường nó sẽ đi theo về hoặc tệ hơn là nó đã biết trước và không đi theo. Thế nên sau khi nên mộ tròn tức là người chết đã về với tổ tiên, mới được thờ cúng lại bình thường.

Dù vậy, đây chỉ là những phương pháp hoá giải đầy huyền bí, không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục. Về những chuyện trên, GS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hoá) cho rằng: “Những chuyện như vậy, xét tính chân thật thì khó nói. Nhưng đó là tín ngưỡng dân gian, là niềm tin nên mặc nhiên người dân cứ người sau làm theo người trước và thành nếp như vậy. Và đã là tín ngưỡng thì không ai xem xét đến chuyện đúng sai, thực hư. Chỉ biết rằng, chùa Hàm Long là ngôi chùa cổ có giá trị văn hoá tâm linh được đông đảo người dân chiêm bái”.

Tựu chung lại dù chưa lý giải được hoàn toàn hiện tượng này nhưng các nhà khoa học cùng với các công trình nghiên cứu của họ đã phần nào vén bức màn bí ẩn này. Hy vọng trong tương lai các nhà khoa học sẽ hoàn toàn vén được bức màn bí ẩn này lên để các gia đình, dòng họ không còn nỗi sợ hãi khủng khiếp mang tên “Trùng tang”.

Bài viết sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn mong muốn mang lại cho người đọc cách nhìn tổng quát, rõ ràng và chân thực nhất về hiện tượng trùng tang. Hy vọng có thể giúp ích phần nào cho những ai đang không may gặp phải.

 

HẠT DỔI TÂY BĂC

Viết một bình luận