Chuyện người âm dạy người dương cúng lễ

Cô Bằng vốn là “nhà ngoại cảm” với khả năng gọi hồn siêu phàm, người khác thì lại kháo cô được ‘Thánh ban cho khả năng gọi vong mát tay gần 20 năm nay’.

Thực hư ra sao thì không ai biết nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, người ta cứ ùn ùn kéo nhau đến chầu chực tối ngày ở nhà cô để đợi đến lượt gọi hồn người thân. Nhưng tất cả đó chỉ là trò che mắt thiên hạ, không biết những khuôn mặt rạc đi vì chờ đợi kia khi hiểu ra mình bị lừa sẽ nghĩ sao?

Người âm dạy người dương cúng lễ

Giờ xếp lễ ấn định từ 6h30 sáng, nhưng khi chúng tôi vừa đặt chân đến đầu thôn đã thấy kẻ đứng, người ngồi xếp thành hàng dài. Đang loay hoay chưa biết phải làm gì thì có một chị khoảng ngoài 30 tuổi đi tới, đưa chúng tôi ra đầu cổng hướng dẫn mua lễ. Tôi mua hai lễ với giá 30.000 đồng, mỗi lễ gồm một gói bánh, một thẻ hương, một gói nhỏ “tiền, vàng” rồi sang nhà cô Bằng.

Người âm
Người âm

Gần 20 năm hành nghề, cô cũng gây dựng cho mình một cơ ngơi gồm căn nhà 5 tầng xây kiểu biệt thự, nội thất trong nhà chủ yếu bằng gỗ đắt tiền. Một gian điện thờ được đặt vuông góc ở sân. Bên ngoài cửa điện, nhà cô cho xây một cái lán lợp mái tôn khá rộng, kê khoảng chục hàng ghế dài kiểu hội trường hợp tác xã ngày xưa.

Lúc 6h30 sáng có khoảng hơn 30 người đến đặt lễ. Mọi người xếp hàng trước cửa điện, vào bàn tự tay bày lễ vào hai cái đĩa nhựa, bỏ thêm tiền vào lễ. Tiền lễ đặt bao nhiêu là tùy tâm, nhưng thường mọi người đặt từ 30.000 – 100.000 đồng. Một bà cạnh tôi bảo: “Đặt kha khá lên thì ‘cô’ Bằng mới thấy vui và vong cũng về sớm hơn bình thường”. Sau khi đưa lễ vào cửa điện, có một cô gái ra nhận lễ, bày lên ban thờ giúp.

Ban thờ ở điện xây bằng gạch, bày biện khá đơn sơ, giản dị. Lễ của ai được đặt lên thì người đó quỳ khấn trước ban thờ. Có người khấn rất lâu, có người chỉ khấn một, hai phút. Tôi cũng không biết khấn gì nhiều, nên chỉ dăm bảy câu là hết, vái ba vái rồi ra ghế ngoài lán ngồi đợi…

Trong lúc chờ đợi tới giờ cô Bằng làm việc, qua tìm hiểu được biết tên đầy đủ của cô là Vũ Thị Cẩm Bằng, nhà ở thôn Thạch Lỗi (xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Trước kia, cũng như bao người dân nơi đây, cô Bằng cũng chỉ trông vào hai vụ lúa, nhưng từ ngày Thạch Lỗi có nhiều “cô đồng” nổi lên thì cô Bằng cũng được “Thánh” ban lộc.

Bác Loan (Phú Thọ) bảo: “Như thế này là còn vắng rồi đấy cháu ạ, chứ như trước kia đông lắm, mọi người phải xếp hàng cả đêm để chờ. Cô làm việc cả ngày rất mệt, nên cô xin các “ngài” chỉ làm buổi sáng, và từ giờ 6h30 sáng cô mới cho đặt lễ đấy. Bác đến đây nhiều bác biết, ở đây đặt lễ không tuân theo bất cứ thứ tự xếp lễ nào, vì theo như cô bảo, quan trọng là khi “nối đài”, các quan dưới đó sắp đặt chứ cô không có quyền. Nhiều lần bác đến trước nhưng mãi tới trưa vong mới về, có người đến sau thì vong lại về trước”.

Đợi chừng hơn một tiếng thì cô Bằng xuống điện. cô mặc bộ quần áo nâu ngồi giữa chiếc chiếu trải trước ban thờ. Nhìn quanh một lượt rồi cô đưa tay thỉnh mấy tiếng chuông, miệng lẩm nhẩm khấn. Vì ngồi không xa mà cô lại khấn to nên tôi nghe thấy rõ tiếng cô cầu ngắn gọn thôi, chừng dăm, bảy phút: “Con lạy các quan trên Thiên đình, thần, Phật, thổ công, thổ địa cho con xin được nối đài với các vong linh” và bắt đầu “xin âm dương”, xem các “Ngài” có cho “nối đài” không.

Nếu chưa được, cô lại khấn lại bài khấn đó, rồi lại xin “âm dương”… Có lẽ phải xin đến hơn mười lần thì mới “nối đài” được, tức là “xin âm dương” thành công. cô phấn khởi reo lên “nối đài được rồi”. Mọi người đều vui vẻ, phấn chấn hẳn lên, nhưng rất trật tự, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để được “gặp người âm” … cô bắt đầu cầm các tờ giấy xếp thứ tự lên đọc tên những người đi cầu và khấn tên những vong người âm, cầu được gặp…

Tất cả mọi người đều im bặt và hồi hộp chờ đợi vong nhà mình xuất hiện. Ai nấy đều tập trung cao độ vào từng động tác, cử động của “cô”. Cô nhắm mắt, che mặt bằng chiếc quạt giấy, ngồi trong tư thế thiền, lắc lư…

Một lúc sau, cô rùng mình một cái và nói theo giọng một ông già: “Gớm, sao mà lắm người thế?”. Mấy người ngồi gần cô chắc đã quen với chuyện đi gọi hồn liền cất giọng ngọt ngào nói: “Lạy vong ạ. Xin vong cho biết quý danh để người trần chúng con biết mà xưng hô cho phải phép ạ”. Bỏ qua câu hỏi của mấy chị, “vong” cất tiếng gọi “vợ chồng thằng Lâm đâu, sao ngồi xa thế, ông không trông thấy mặt”.

Từ cửa, hai vợ chồng chị nọ lật đật rẽ đám người vào ngồi cạnh cô. Một màn gặp gỡ giữa người âm và người dương diễn ra với đủ sắc thái tình cảm, lúc cười vui hớn hở, khi lại giận dữ, khóc lóc. Cuộc trò chuyện diễn ra hơn 15 phút thì “vong” bảo: “Thôi, ông đi đây”!... Và cô Bằng nhắm mắt lại, đờ đẫn, ngã ra… Mấy người ngồi gần đỡ lấy “cô”, phẩy quạt vào người… Chừng vài chục giây, cô lắc lắc đầu rồi tỉnh lại bình thường. cô lấy hai tay vuốt mặt, xoa mắt một lát, rồi cô lại bắt đầu cầm các tờ giấy đã “đăng ký” lên khấn để mời các vong khác về tiếp…

Vong tiếp theo lên là một cụ ông. Cụ xưng tên là Hoạt. Cụ gọi thằng Tốn, thằng Sửu, con Thu, con Mai, thằng Thặng, thằng Quân … Cụ bảo: “Thằng Quân ngồi gần lại đây!”. Mấy con cháu thưa: “Đây là Quận, em của Quân”. Cụ bảo: “Ừ, sao hai anh em mày giống nhau như đúc! Cụ cứ nhầm”.

Rồi cụ bảo: “Cái Lan con nhà Quân là bị ốm bệnh trần, phải đi bác sĩ mà chữa, chứ ông bà ai lại làm hại con cháu nhà mình. Mà chúng mày cứ đi xem người ta nói lung tung, rồi cúng lễ tứ phương thì khổ mà bệnh đâu có khỏi … Mà hôm nọ thằng Quân đem ngựa, mũ đi lễ tạ ở cái đống Găng ấy lại hóa ngựa như thế là ngựa mù, ngựa câm, ngựa điếc, ngựa què! Chúng mày có hiểu không?”. Mọi người rối rít: “Chúng con không biết, xin cụ dạy cho ạ”.

Cụ cười bảo: “Không ai dạy cho thì dốt là phải.  Trước khi hóa ngựa, phải ‘khai nhãn’, là mở mắt ấy, hiểu chưa? Rồi ‘khai nhĩ’, là thông tai ấy, hiểu chưa? Rồi khai khẩu, là mồm ấy, để nó còn hý được chứ”. Một người hỏi: “Thưa, khai thế nào ạ?”. Cụ lại cười, bảo: “Phải cầm nén hương, đưa vòng quanh và khấn cho mắt nó tinh, tai nó thính, miệng nó hý to, chân nó chạy khỏe … hiểu chưa?”.

Tôi giật mình, chả nhẽ chuyện này “người âm” cũng biết được để dạy lại cho con cháu, không hiểu những ông ngựa bằng giấy ấy xuống đó sẽ chạy kiểu gì và cỏ đâu mà ăn, không lẽ cũng lại phải đốt thêm cỏ. Sau khoảng hơn chục phút thì cụ cũng đi, trước khi đi, cụ còn cất tiếng chào mọi người.

Gọi được gần chục vong thì hết thời gian, nhìn điệu bộ tôi thất thểu, một chị vỗ vai an ủi: “Cái này còn tùy thuộc vào người nhà mình em ạ. Cũng khối lần chị cũng mất mấy ngày mới gọi được các cụ lên đấy”. Tôi hỏi chị có hay đến đây nhờ cô không, chị cười bảo: “Một năm cũng vài lần, nhà cứ có việc là chị lại đến”. Tôi hỏi tiếp: “Chị thấy có đúng không?”. Chị bảo: “Cũng tùy lần em ạ, nói chung là đi để giải tỏa tâm lý thôi”.

Hết thời gian gọi vong, cô Bằng trở vào trong nhà. Hàng dài người xếp hàng lộ vẻ mặt đầy thất vọng, lục đục ra về, người thì tìm chỗ trọ, chờ đến lượt vào sáng sớm hôm sau. Cách nhà cô không xa, hàng quán phục vụ cơm nước, chỗ nghỉ đã kịp bày biện sẵn sàng phục vụ khách hàng. Từ ngày cô Bằng “nổi tiếng” gần xa, công việc kinh doanh của họ cũng phát đạt lên trông thấy nên khi hỏi về “cô”, tôi chỉ toàn nhận được những lời có cánh về khả năng gọi vong của cô. Nhưng chỉ cần đi xa một chút thì sẽ nghe được rất nhiều điều.

Ghé vào một quán nước cách xa nhà cô, thấy bộ mặt thiểu não của tôi, chị chủ quán liền hỏi: “Em đi gọi rí nhà cô Bằng về đấy à, chắc không gọi được đúng không? Nhiều người đến đây cũng chịu cảnh đấy. Có người mãi tận Lạng Sơn, Nghệ An, đường xá xa xôi ra đây không gọi được, cứ ăn trực nằm chờ trông tội lắm. Chỉ lợi mấy bà kinh doanh nhà nghỉ quanh đó thôi.

Chị ở đây chị biết, tin gì ba cái trò gọi hồn đó, chả nhẽ lại nói toạc móng heo ra thì mất đường làm ăn. Cứ sống sao cho tử tế, tốt đẹp khắc sẽ gặp may chứ hồn nào giúp mấy ông bà không làm gì mà vẫn có ăn. Dạo này vắng khách nên nhân viên nhà bà ấy cũng giảm bớt đấy, trước kia có mà hàng đống. Không biết có đúng hay không? Nhưng chị chả bao giờ đến xem. Vô tình gặp, nói còn chả ăn ai, huống hồ là ghi tên ghi tuổi ra, biết trước nhiều điều thế, tin sao nổi”.

Bí mật đằng sau trò gọi hồn

Sáng sớm hôm sau, tôi lại bắt đầu với điệp khúc quen thuộc, xếp lễ và chờ đợi. Đúng lúc cô Bằng đang xin “nối đài” đã mấy lần, xem chừng sắp được thì bỗng nhiên có một người đàn ông xồng xộc chạy vào lôi vợ ra sân, quát tháo om sòm: “Cô có biết nó lừa thế nào không? Mua một cái lễ 30.000 đồng, ăn một bát mỳ 30.000 đồng, chưa kể tiền trọ mấy ngày nay… Mỗi ngày hàng trăm người đến, người ta thu bao nhiêu tiền! Lừa bịp hết! Ngu thế hả”.

Trong khi cô vợ còn đang ngơ ngác thì anh chồng đã kịp lôi đi xềnh xệch. Thế là thay vì tập trung đợi cô Bằng nhập vong, đám đông ồn ào bình phẩm thực hư câu chuyện. Như để trấn an tinh thần mọi người, cô Bằng nói vọng ra phía ngoài sân: “Các bác tin hay không thì tuỳ, nhà cháu làm việc theo cái tâm với các Ngài thì sợ nhất là phạt. Trước đây, các Ngài phạt cháu có lần nôn ra hàng chậu máu, có lần bụng trướng lên như cái thúng, có lần phạt nặng, liệt nửa người hơn 3 tháng trời! … Thế nhưng, cháu chịu bị phạt để còn biết đường cầu xin, sám hối, các Ngài tha cho, cũng là gánh đỡ cho mọi người thôi. Thế nhưng, nhiều người lại không hiểu”.

Nghe cô nói, đám đông thôi bàn tán. Tất cả lại chắp tay khấn xin sớm được “nối đài”. Chẳng biết tấm lòng cô Bằng “Bồ tát” đến đâu nhưng sau mấy ngày quan sát, tôi nhận thấy đích thị trò gọi hồn, gọi vong này 100% là lừa đảo. Đầu tiên, tất cả mọi người đến đều phải làm thủ tục ghi rõ họ tên, địa chỉ rồi người thân đã mất, cùng một vài thông tin quan trọng về người đó hoặc gia đình.

Cô chỉ gọi được vong vào buổi sáng. Chủ yếu là vong ở quanh quanh địa bàn cô sinh sống, còn ở ngoại tỉnh thường 2 – 3 ngày sau thì vong mới về vì còn phải xếp hàng chờ đến lượt ở điện thờ nhà cô. Trong khi gọi hồn, cô rất khéo léo liếc mắt vào đống giấy đăng ký để ngay phía trước mắt qua những khe quạt giấy.
Thi thoảng, cô lại xướng ất ơ một tên vong nào đó sau 10 phút. Trong khi nhập vong trò chuyện, đôi mắt cô vẫn rất tinh tường, chẳng có vẻ gì là được “nhập hồn” nhưng mọi người đều đang xì xụp khấn vái, dâng tiền bạc nên không ai chú ý vào những hành động kỳ lạ của cô. Ngày thứ hai trôi đi, tôi lại về tay trắng. Thấy vậy, một số người thông cảm, bày cho cách sáng hôm sau đến sớm, rỉ tai chồng cô để ông ấy nói khéo giúp cho.

Thời mới nổi, cô Bằng thực sự có khả năng gọi hồn chính xác đáng kinh ngạc nên được nhiều người biết đến và tin tưởng. Nhưng chỉ sau đó không lâu, cô Bằng lạm dụng và mất đi khả năng ngoại cảm. Những gì xảy ra sau này hoàn toàn là một trò lừa đảo được dàn dựng tinh vi, trục lợi trên sự cả tin của người đến gọi hồn. Vì vậy, tại nhà cô Bằng không cho phép quay phim, chụp ảnh hay ghi âm.

Hỏi về ý định khi nào “rửa tay gác kiếm”, chồng “cô” Bằng vội bảo: “Ôi, cái này phức tạp lắm nên không phải muốn bo là bỏ đâu. Mấy lần xin thôi rồi lên các ngài không cho. Nhà tôi có căn phải đứng ra nhận lấy việc này giúp mọi người… Các Ngài giao cho thì cứ phải làm…”.

Và đám đông mê muội ngoài sân nhà vẫn thấp thỏm , kiên trì chờ đến lượt vong về để thỏa lòng trò chuyện với người thân…

Tìm đến Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người, gặp thiếu tướng Chu Phác, hỏi về “cô đồng”  Bằng, ông cười và bảo: “Cách đây mây năm, chúng tôi có đến nhà cô Bằng và mời cô ấy lên trung tâm để trắc nghiệm khả năng của cô ấy. Lúc ấy thì chuyện cô ấy có thể chuyển tải được lời người âm là có. Nhưng một vài lần sau, chúng tôi thử nghiệm lại thì xác xuất không còn cao nữa nên trung tâm không  cấp giấy chứng nhận. Lâu nay, tôi vẫn nghe chuyện cô ấy gọi hồn kiếm sống, chuyện gọi được đúng sai thế nào, tôi không có mặt trực tiếp nên không giám bàn. Chỉ có điều là một cô đồng rất khó duy trì khả năng của mình lien tiếp trong vòng 20 năm như vậy, trừ khi cô ấy phải tập luyện lien tục, mà cho dù có sự tập luyện thì khả năng đó không cao. Bây giờ, chuyện các cô đồng cứ dựa vào một vài khả năng của mình để kiếm tiền dựa trên lòng tin của người đời nhiều lắm”.

An Linh – Người đưa tin

HẠT DỔI TÂY BĂC

Viết một bình luận