Con người ta hễ khi có được thành tựu gì đó dễ trở nên dương dương tự đắc, không còn coi ai ra gì, thậm chí ngay cả đối với Thần cũng dám xúc phạm. Kỳ thực, con người dù cho rằng bản thân lớn mạnh đến đâu, trong mắt Thần cũng chỉ là một hạt bụi.
Vào thời cổ đại, ở thôn Tích Thiện, trấn Đồng Dã, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam có một phú hộ tên Lý Đức Nguyên, tiền nhiều thế lớn, đất đai màu mỡ, lại thêm nguồn nước dồi dào, ngay cả trong những năm hạn hán cũng không có gì đáng lo ngại.
Một năm nọ, nhà Lý Đức Nguyên lại được một năm bội thu. Vừa sáng mùng một Tết, Lý Đức Nguyên liền dặn dò người hầu bày một bàn rượu thịt cạnh bàn thờ Trời Đất trong sân nhà mình, lại bảo người nhà lấy ra 2 đôi đũa, bày 2 chén rượu.
Sau khi rót đầy rượu, Lý Đức Nguyên kéo ghế ngồi đối diện với tượng Ngọc Hoàng Đại Đế. Người nhà thấy lạ bèn hỏi ông ta định làm gì. Lý Đức Nguyên nói: “Năm nay thu hoạch tốt, ta muốn cùng đệ đệ Ngọc Hoàng của ta uống vài chén rượu”. Vừa nói vừa khua khua chén rượu trước mặt Ngọc Hoàng.
Người hầu đứng ở một bên vội vàng khuyên nhủ: “Lão gia, ngài không thể bất kính với Thần, cũng không nên xưng hô như vậy với Ngọc Hoàng Đại Đế”.
Phú hộ cười lớn, nói: “Lý Đức Nguyên ta có đến 360 khoảnh ruộng, tưới tiêu không cần dựa vào trời, muốn ta nghèo, trừ phi rồng kêu trời sập”.
Chạng vạng tối, Lý Đức Nguyên từ bên ngoài trở về nhà, sau khi thắp đèn, con dâu của ông nghe thấy bên trên cửa chính hình như có tiếng động gì đó.
Lý Đức Nguyên liền lấy cây đèn cầy ngẩng đầu lên quan sát, chỉ thấy một con rắn kêu lên mấy tiếng, rồi theo lỗ trên mái nhà bò ra ngoài. Bất ngờ một viên gạch từ trên mái nhà rơi xuống, đập trúng đầu của Lý Đức Nguyên, khiến ông ta tử vong tại chỗ, ứng nghiệm với câu nói “rồng kêu trời sập”.
Sau khi Lý Đức Nguyên qua đời được mấy năm, nhà họ Lý cũng trở nên suy bại. Quả đúng là “trời cuồng tất có mưa, người cuồng tất có họa”, có nhân thì ắt có quả, phúc họa hết thảy đều do tự mình chiêu mời đến.
Hàn Vạn Thương đánh cuộc với Long Vương
Bên ngoài cửa Bắc của thành phố Vũ An, tỉnh Hà Bắc, có một địa điểm mà mọi người đều biết đến, gọi là “Thương môn khẩu”, những người ở Vũ An hầu như đều đã từng đi qua nơi này. Mỗi khi đi ngang qua đây, người ta không thể không nhớ đến truyền thuyết đầy bi ai của nó.
“Thương môn khẩu” là địa điểm mà phú hộ Hàn Vạn Thương thời nhà Minh tích trữ lương thực. Hàn Vạn Thương là đại phú hộ ở Vũ An, không chỉ sở hữu đất đai rộng lớn, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh tiệm cầm đồ, tơ lụa, hiệu thuốc tại Hà Nam, Sơn Tây, Bắc Kinh và những nơi khác… truyền thuyết kể rằng chìa khóa nhà của ông ta nhiều đến mức phải dùng đến lừa để vận chuyển.
Hàn Vạn Thương có tiền có thế, cho nên tính tình cũng trở nên ngang ngược ngạo mạn, bình thường không xem ai ra gì. Có một năm, Hàn Vạn Thương đến thôn Ôn ở thành Tây xem hội, đúng lúc người dân địa phương đang tổ chức lễ cầu mưa trước miếu Hắc Long.
Thôn dân mỗi khi cầu mưa, đều cử một người làm “ngựa” để Hắc Long nhập vào. “Ngựa” thường dùng một chiếc dùi sắt cắm vào má, thay Long Thần nói chuyện.
Hàn Vạn Thương nhìn thấy nghi thức cầu mưa lớn như vậy, lập tức sinh lòng đố kỵ, liền đi tới trước mặt “ngựa” rồi cao giọng khiêu khích: “Ngươi là Hắc Long Vương trên trời, không bằng ta Hàn Vạn Thương trên mặt đất, mặc cho ngươi ba năm không mưa, nhà ta vẫn có vạn gánh lương thực”.
“Ngựa” Long Vương đối mặt với sự khiêu khích liền nói: “Ta là Hắc Long Vương trên trời, ngươi tất nhiên là Hàn Vạn Thương dưới đất, ngươi dám bất kính với Thần, xuất ngôn càn rỡ, vậy ta sẽ để ngươi mỗi tháng đều gặp hỏa hoạn, mỗi năm đều gặp lũ lụt, ba năm nhà ngươi sẽ lụn bại”.
Từ đó về sau, mỗi tháng trong nhà Hàn Vạn Thương đều xuất hiện vài lần hỏa hoạn, hơn nữa kiện tụng không ngừng. Mùa hè năm đó, lương thực trong mấy kho thóc của Hàn Vạn Thương vì gặp mưa lớn mà đều bị nước cuốn đi, trôi thẳng đến thành Nam cách đó 3 dặm.
Bởi vì khắp nơi đều có kiện cáo, hàng tháng lại gặp hỏa hoạn, tài sản bị tổn thất vô số, lương thực tích góp nhiều năm lại bị cuốn trôi. Chưa đến ba năm, gia sản của Hàn Vạn Thương đã tiêu tán sạch, chỉ để lại cho đời sau truyền thuyết về “Thương môn khẩu” và bài học đắt giá cho hành vi ngạo mạn bất kính với Thần.
Tuệ Tâm