Kết cục bi thảm của nghề mổ chó

Bà Nguyễn Thị Chi quê ở miền Trung, lên vùng Đức Trọng, Lâm Đồng lập nghiệp từ những năm 1980. Chồng bà tên Trung cùng quê, gia cảnh đều nghèo khó. Thời gian đầu hai vợ chồng đi làm thuê cuốc mướn sống tằn tiện qua ngày.

Sau, vay mượn tiền của anh em họ hàng, bà mở quầy bán gà vịt tại chợ thị trấn. Lúc đầu, ngày bà chỉ túc tắc bán được một vài con. Những ngày giáp Tết hai mùa cưới, bà thịt cả trăm con, đủ loại: gà, vịt, thỏ ,chó, ngan ngỗng… bà kể thu nhập trung bình mỗi ngày 500.000₫. Những ngày đông khách bà kiếm vài triệu ngon ơ. Từ đấy, kinh tế nhà bà phất lên như diều gặp gió ,cả làng ngưỡng mộ.

Nghề mổ chó
Nghề mổ chó

Một chiều nọ, có bà cụ già tay bị tay gậy đến nhà bà xin ăn. Nhận chút thực phẩm và ít tiền từ tay, bà cụ già ăn xin bảo: “Cô ơi! Nhà cô sắp có đại họa rồi đấy, cô nghe tôi nên dừng lại nghề sát sinh, phát tâm ăn chay niệm Phật để giải nghiệp, kẻo sau này hối hận cũng chẳng kịp đâu.”

Nghe vậy, bà Chi tức giận gắt gỏng: “ Bà này ăn nói luyên thuyên . Xéo ngay ra khỏi nhà tôi. Từ giờ đừng có vác mồm đến đây xin ăn nữa nhé”.

Một tuần sau. Có gia đình ở thị trấn Liên Nghĩa tổ chức đám cưới con trai, đặt bà Chi làm 1 tạ thịt chó . Chồng bà phải mất 2 ngày xuôi ngược khắp nơi thu mua cả thảy được 9 con. Buổi chiều, trong lúc ngồi đun nước sôi chuẩn bị làm thịt ,nhìn vào cái lồng nhốt chó bỗng dưng bà bị hút vào con chó cái màu vàng. Nó có chửa bụng khá to, nằm bệt dưới lồng vì mệt. Chợt bắt gặp ánh mắt của bà Chi đang nhìn, con chó vàng liền nhỏm dậy.
Nó dúi cái mõm qua ô lồng sắt, mắt nhìn bà như van lơn, ư ử kêu như van xin tội tình . Bà Chi chợt rùng mình. Bà hớt hải chạy lên nhà bảo chồng:
– Ông ơi, con chó vàng nhốt ở lầu dưới gốc cây ngọc lan đang có chửa. Nó vừa van xin tôi đấy. Hay là mình để nuôi vài tuần, chờ nó đẻ xong rồi giết thịt sau ông nhé.
– Bà có điên không đấy? Con chó biết nói à mà bà lại bảo là nó van xin bà. Vớ vẩn.
Nói đoạn, ông bước huỳnh huỵch ra sân, cầm cái chày bằng gỗ lim đen bóng. “ Đốp”. Bà Chi chạy ra đến nơi đã nhìn thấy con chó vàng nằm chết duôi, không kịp tru lên một tiếng. Hai mắt nó ướt nhẹp. Mổ bụng, lôi ra 5 con chó con còn chưa đủ hình hài, bà Chi bỗng thấy sống lưng ớn lạnh.
6 giờ chiều mới làm thịt xong 9 con chó. Ông Trung chồng bà phải huy động thằng Tuấn, con trai cả đang học lớp 12 nghỉ học thêm để phụ ông trở lên thị trấn.
Hai bố con đi hai xe. Buổi tối, bà Chi chờ mãi không thấy chồng và con về . Sốt ruột , điện thoại cho chồng thì nghe tiếng gắt: “ Tôi với thằng Tuấn đang uống rượu trên đám cưới. Khuya mới về. Bà cứ ngủ trước đi .”

11 giờ đêm chồng con vẫn chưa về, ruột bà Chi nóng như lửa đốt . Tiếng chuông điện thoại kêu reng. Tiếng thằng Tuấn hốt hoảng:”Mẹ ơi! Bố con bị tai nạn chết rồi!”.
Sau này, thằng Tuấn kể, tan bữa tiệc cưới, hai bố con phóng xe về. Bố đi trước, con đi sau. Đột nhiên, xe ông Trung đâm thẳng vào gốc cây bên đường. Xe máy đổ rầm. ông Trung ngã vật xuống đường, đập đầu vào tảng đá ,trán ông vỡ toang.

Sau cái chết của chồng, nhớ lại lời dặn của bà cụ ăn xin hôm nào, bà Chi thấy rờn rợn. Lẽ nào lời tiên tri về đại họa giáng xuống nhà bà là thật? Nhiều đêm không ngủ, nằm vắt tay lên trán, bà cũng định bụng dừng lại nghề giết mổ. Nhưng nghĩ đến khoảng lãi tiền triệu, tiền trăm mỗi ngày, bà lại thấy tiếc. Vả lại, hai thằng con trai đang tuổi ăn tuổi lớn . Bà không cố gắng ky cóp, sau này lấy đâu ra tiền mà lo lắng tương lai cho chúng.

Một hôm bà Chi bảo Tuấn: “ Con học xong lớp 12 thì ở nhà giúp mẹ. Học hành tốn kém. Ra trường lương ba cọc ba đồng sống sao nổi.“
Tuấn nghe lời mẹ. Vài tháng sau, nó trở thành anh đồ tể sắc tay . Tìền kiếm như nước. Gái trong vùng mê Tuấn như điếu đổ. Nhiều gia đình muốn gả con cho Tuấn vì Tuấn vừa khỏe mạnh, chịu thương chịu khó lại kiếm được tiền. Cuối cùng, Tuấn quyết định lấy cô Kim, hoa khôi của thị trấn.

Cưới con trai đầu, bà Chi làm cỗ tưng bừng suốt ba ngày ba đêm. Khách mời dự đông nườm nượp. Gà , vịt giết không biết bao nhiêu mà kể. Bá Chi khan hết cả tiếng nhưng mặt vẫn ngời ngời như hoa. Song niềm vui ngắn ngủi chẳng tày gang.

Trước hôm đón dâu một ngày, đêm muộn, khi khách về hết, chú rể lụi hụi mắc lại đèn chùm trong phòng ngủ. chẳng hiểu hí hoáy thế nào mà bị điện giật chết. Ngày cưới trở thành ngày tang. Bà Chi ngã ngửa người, khóc ngất lên ngất xuống.

Gắng gượng lo xong đám tang cho con, bà Chi lăn đùng ra ốm. Suốt ngày nằm bệt trên giường. Mỗi bữa chỉ giúp được vài thìa cháo loãng. Đúng 3 tháng 10 ngày, bà mới nhóc nhách ngồi dậy, lần thành giường tập đi. Bà bắt đầu tin vào luật nhân quả, vào ác nghiệp sát sinh mà mình gieo rắc suốt mười mấy năm.
Bà thỉnh mời các nhà sư đến nhà, lập đàn tế lễ giải nghiệp suốt ba ngày ba đêm. Rồi mua cả tạ lươn, ốc, cá phóng sinh… Bà bảo thằng Công, con trai út bà:” Mẹ cả đời vất vả hành nghề sát sinh cũng chỉ vì muốn tạo dựng tương lai tốt đẹp cho con. Con gắng học cho tốt, có công ăn việc làm đàng hoàng, tử tế, đỡ khổ con ạ.”
Công đang học lớp 12 trường huyện. Nó học rất giỏi, mơ ước thi vào trường đại học An Ninh. Một buổi chiều, đi đá bóng cùng đám bạn về, nó thấy đau đầu gối chân trái. Cứ nghĩ là do chạy nhiều nên nó cứ cắn răng chịu đau. Mấy tuần sau, đầu gối sưng to, nhức nhối suốt ngày đêm không ngủ , bà Chi đưa nó đến bệnh viện tỉnh Lâm Đồng khám.

Xét nghiệm khối u to như quả trứng gà, bác sĩ kết luận nó bị ung thư xương. Nó khóc ầm lên . Bà Chi thì chết lặng. Nghe bác sĩ tư vấn, bà Chi đưa thằng Công xuống bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
5 tháng sau, khối u càng to, bà chuyển nó về bệnh viện đa khoa Sài Gòn, điều trị thêm 5 tháng nữa. Bác sĩ khuyên nên cắt chân nhưng thằng Công giãy nảy. Nó mới 18 tuổi đầu. Cắt chân đến tận đùi thì đâu còn ước mơ trở thành chiến sĩ an ninh.
Bà Chi nuốt nước mắt đưa con về nhà, chữa trị bằng Đông y. Cứ nghe đồn ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi là bà lần mò tìm đến. Của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cho đến lúc sạch sành sanh cũng là lúc khối u ở chân Công to như cái cối đá lỗ.
Da căng mọng, tím tái, gân xanh nổi chằng chịt trông chả khác chi cái mề gà. Một ngày, khối u vỡ ra. Máu mủ chảy lênh láng khắp giường. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ruồi nhặng từ đâu bay đến ào ào. Bà Chi phải giăng mùng kín mít suốt ngày. Chốc chốc, bà cầm cái quạt, đập đánh “độp” vào thành màn xác ruồi rơi rào rào. Thế mà một lúc sau, cả cái màn lại đen kịt ruồi bâu. Mùi hôi thối bốc ra cả những nhà xung quanh. Hàng xóm phải đóng cửa nhà kín mít.
Công người gầy guộc chỉ còn da bọc xương. Khối u ở chân trông càng to càng khủng khiếp. Vết loét ngày càng lan rộng, trông như miệng con chó thui. Nó kêu la rền rĩ suốt ngày đêm vì đau đớn. Nghe người trong thôn mách dùng nhựa con cóc nhỏ lên vết loét, khối u sẽ khỏi, bà Chi đi bắt liền 5 con , dùng dao chặt đứt đôi chân rồi quét lên thành miệng vết loét. Tiếc rẻ, bà dùng vải xô, bó chặt thân năm con cóc lên trên.
Thằng Công hét toáng lên như con lợn bị chọc tiết. “ Xót quá mẹ ơi! Con không chịu được nữa đâu. Mẹ giết con đi. Con đau đớn lắm.”
Một buổi chiều, một nhà sư già bộ hành ghé vào nhà bà xin cốc nước . Biết hoàn cảnh éo le của bà, nhà sư bảo:
“ Cháu nó bị thế này là do gánh nghiệp sát sinh của chị. Mệnh cháu hết rồi. Không cứu được đâu. Chi bằng, chị đưa cháu đến Quán Thế Âm Tịnh Thất ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ở đó có Ban Hộ Niệm Phật A Di Đà. Chị nhờ sư trụ trì và các phật tử trong Ban Hộ Niệm tụng kinh niệm Phật, trợ niệm, trợ duyên, giải nghiệp cho cháu bớt đau đớn, ra đi thanh thản, vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.”

Sư Chú Hiền ở chùa Quán Thế Âm kể:
– Lúc ra mở cửa, vừa nhìn thấy cái chân voi với khối u khủng khiếp bốc mùi hôi thối nồng nặc, máu mủ chảy tong tỏng, Tôi muốn buồn nôn sởn hết cả da gà. Đã nhận hàng trăm ca hộ niệm nhưng chưa bao giờ tôi thấy có người bệnh nào lại trong tình trạng kinh khiếp đến như vậy. Nhưng nhìn vào khuôn mặt xác xơ, khổ đau tột cùng của người mẹ cùng lời van xin đến tội tình: “ Xin sư thầy rủ lòng thương cứu vớt. Mẹ con con đã hết đường sống rồi”, Nhìn cảnh cháu Công còn da bọc xương nằm rên rỉ, tôi không đành lòng chối từ. Tôi liền thưa chuyện với sư trụ trì, Đại đức Thích Giác Nhàn. Thầy bảo : “ Cửa Phật từ bi che chở mọi khổ đau của kiếp người. Con cứ nhận họ vào.”

Từ hôm đó, hàng ngày, vào mỗi buổi sáng và chiều, sư chú Hiền, sư chú Sơn và 40 Phật tử trong Ban Hộ Niệm , đã ngồi xếp bằng thành vòng tròn, tụng Kinh niệm Phật cho Công.
Mùi hôi thối bốc ra nồng nặc khắp căn phòng. Một số người không chịu được đã chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Tiếng kêu la của Công nhiều khi áp cả tiếng mõ, tiếng chuông.

Hai sư chú và các phật tử vẫn dốc lòng nhất tâm hộ niệm suốt 2 tiếng . Máu mủ từ vết loét to ngoạc nhỏ tỏng tỏng xuống tấm mền lót bên dưới. Một lúc, lại phải thêm tấm mền khác. Ngày 3 lần, sư chú Sơn đi găng tay y tế, luồn qua miệng khối u, thọc sâu vào bên trong đến tận khuỷu tay, móc dần những cục thịt thối ra để cho Công bớt đau.
Chú làm ân cần dịu dàng. khuôn mặt Chú hiền từ. Vừa làm chú vừa nói với Công: “Sư chú biết con đau lắm. Nhưng nếu con cứ kêu rên như thế sẽ khiến con càng đau, càng mệt. Con hãy nương vào lời tụng niệm A Di Đà Phật mà các bác, các cô chú ở đây đang tụng cho con. Và con hãy tụng theo. Sư chú tin, con sẽ bớt đau”. Công làm theo. Từ ấy, nó thấy bớt đau nhiều.

Sư chú Sơn kể: “ Mấy ngày sau, Công không kêu rên nữa. Cậu thành tâm niệm Phật. điều kỳ lạ là mùi hôi thối bớt dần. Ai cũng ngạc nhiên và càng tin vào sự vi diệu của đạo Phật. Vì thế, càng hết lòng Hộ Niệm cho cậu ấy”.
Một tháng sau, vào buổi sáng, khi sư chú Sơn đang lựa tay khẽ khàng móc từng mảng thịt thối trong khối u khổng lồ, Công nhẹ nhàng bảo:
– Chú Sơn ơi! Tối qua con nằm mơ thấy Phật Di Đà về đón con đi. Ngài mặc áo vàng rực, tay cầm đóa sen vàng. Ngài mỉm cười với con chú ạ.
– Thế con có sợ chết không? – Chú Sơn hỏi.
– Con chỉ sợ đau chứ không sợ chết. Chú vẫn bảo con: Nếu con thành tâm niệm Phật hàng ngày, con sẽ được vãng sanh về Cõi Tây Phương Cực Lạc là gì.

Sư chú Sơn mỉm cười gật đầu. Công bảo :
– Con muốn gặp mẹ con.
Khi mẹ ngồi bên, Công nói, giọng nhẹ nhàng nhưng rành rọt:
– Mẹ ơi! Con bị bệnh thế này là do mẹ tạo nghiệp sát sinh suốt 15 năm đó. Mẹ đừng làm nghề giết mổ gà vịt nữa nhé. Dù cho phải đi ăn xin mẹ cũng không được làm. Mà mẹ chuyển hẳn sang ăn chay trường đi. Còn ăn mặn là cộng nghiệp cho những người làm nghề giết mổ.

Buổi chiều hôm ấy, Công trút hơi thở cuối cùng trong tiếng mõ, lời Kinh của Ban Hộ Niệm Chùa Quán Thế Âm. Công ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Không rên la, không đau đớn. Khuôn mặt hồng hào như người đang ngủ. Điều kì lạ là toàn thân tỏa mùi thơm như hương trầm và mềm mại. Mềm đến độ sư chú Sơn nhấc cả hai tay của nó lên, lắc lư. Cổ tay, những ngón tay trắng hồng của nó lắc lư theo như múa.
Cả khán phòng bỗng vang lên “A Di Đà Phật” như tiếng reo vui niềm tin của những người con Phật vào Phật pháp nhiệm màu. Cũng ngay buổi chiều hôm ấy, mẹ cậu đã xin sư trụ trì xuống tóc đi tu.

Trích ” Những chuyện có thật về Nhân Quả và Phật Pháp nhiệm màu” – Hoàng Anh Sướng)

______________________

Hỏi : Tôi thường nghe nói rằng con cái sung sướng nhờ Phước Đức cha mẹ ông bà để lại, và ngược lại ” đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nếu ta làm điều tốt tạo Phước đức thì những người xung quanh ta cũng được hưởng nhờ cho dù họ chẳng làm phước gì cả phải không?
Đáp : Phước đức của một người có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh ( gồm cả ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu lẫn cả những người sống gần ta như hàng xóm, đồng nghiệp…) Có những cách ảnh hưởng như sau :

1. “Đồng thanh tương ứng” : ông bà cha mẹ tạo phước đức, thì nhân quả sắp xếp cho họ sinh ra những người con, cháu đã tạo phước trong quá khứ, khi sinh ra chúng được sung sướng ,vinh hiển. Phước đó tự chúng đã tạo trong qúa khứ, còn ông bà cha mẹ do cũng có phước nên sinh ra con cháu vinh hiển để được hưởng tiếng thơm… ngược lại ông bà cha mẹ tạo ác nghiệp cũng tương tự như thế.

2. Các vị đã tạo công đức tái sinh lại làm cháu chắt của chính mình để hưởng phước. ( Làm ác thì ngược lại )

3. ” Chiêu cảm tội phước” : người có phước lớn hoặc nghiệp nặng có thể chiêu cảm khiến cho phước hoặc nghiệp xấu của những người xung quanh trổ ra khi họ xuất hiện. Như một người cha làm việc ác quá lớn, sau đó một thời gian con anh ta bị tai nạn chết. Đáng lí đứa con phải 2 kiếp sau mới bị tai nạn chết, nhưng nay quả báo ấy trổ ra luôn ở hiện tại ( thực ra phước hay tội tiềm ẩn của mỗi người đều rất nhiều, đứa con đâu có thiếu gì nghiệp ăn mặn, sát sinh từ vô lượng kiếp qua ) Hay một người chồng do phước báo lớn nên chắc chắn lấy được vợ đẹp, nhưng khi lấy vợ anh ta lại chọn 1 người nhan sắc bình thường, không đẹp, một thời gian sau, dung mạo của người vợ sẽ thay đổi, trở nên xinh đẹp, đó là do phước của người vợ, có điều đáng lí phải 3 kiếp sau cô ta mới đẹp được như thế, nhưng do phước của chồng chiêu cảm khiến phước của cô ta trổ ra sớm. Có một số người rất đặc biệt, đi tới đâu là mọi người xung quanh xui xẻo đến đó , cũng do nguyên lí này.

4. ” Bình thông nhau” , do có duyên sâu nặng và nợ nần với cha mẹ, con cái có thể chịu tội thay cho cha mẹ, sự chịu tội này coi như trả xong món nợ với cha mẹ . Thường thì ta sẽ gặp trường hợp ngược lại, là do cha mẹ có nợ với con cái, nên phước của cha mẹ con cái hưởng ( của thừa kể ) đây coi như trả nợ. Các chúng sinh có duyên nợ sâu đậm với nhau cũng tương tự như vậy.

HẠT DỔI TÂY BĂC

Viết một bình luận