Sự linh ứng của Bồ tát Quan Thế Âm với Mẹ tôi

Sự linh ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát giúp chúng sinh thoát khỏi những kiếp nạn của cuộc đời, giúp chúng ta hiểu được tốt và xấu để tu tập cho tốt

Những điều tôi viết ra dưới đây đều là sự thật. Những ngày tháng và sự việc xảy ra trong những lần Mẹ tôi bị bệnh nặng liệt giường rồi chỉ qua một đêm, sau khi được Bồ Tát Quán Thế Âm phóng quang cứu độ, mọi bệnh tật của Mẹ tôi dường như được chữa lành ngay lập tức. Sự mầu nhiệm của Linh Ứng Quán Thế Âm là “không thể nghĩ bàn” vì không thể đem những luận chứng y khoa để giài thích trường hợp lành bịnh kỳ diệu của Mẹ tôi.

Mẹ tôi là Bà Trương thị Luân, sinh năm 1923, qua đời năm 2010, theo tuổi ta là thọ 88 tuổi. Mẹ tôi người làng Vỹ Dạ, làm dâu họ Lê Duy làng An ninh hạ, năm 1951 về định cư ở phường Phú Thạnh, thành phố Huế cho đến khi qua đời. Những chuyện tôi kể dưới đây xảy ra tại nhà tôi ở số 77 đường Thống nhất, thành phố Huế.

1. Một lần sa bằng ba lần đẻ:

Ngày 18-5 năm Ất Tỵ ( tức là ngày 17/6/1965), Mẹ tôi đi chợ sớm để lo kỵ Cố nội tôi ngày hôm sau. Lúc này Mẹ tôi đã mang thai hơn 6 tháng. Vừa bước xuống xe buýt Đông Ba- An Hòa, Bà thấy nặng phía bụng dưới, một tay ôm bụng, một tay xách giỏ. Chưa kịp vào nhà thì Mẹ tôi đã sa em bé trai trên nền và khuỵu xuống. Tôi hoảng hốt chạy đến nâng Bà lên và dìu vào giường nằm nghỉ. Ba tôi chôn cất em bé bị sa dưới chân mộ Ông nội tôi.

Mẹ tôi buồn và đau. Bà bị băng huyết nặng. Thay vì đưa đến bịnh viện thì Ba tôi lại đưa Bà đến nhà hộ sinh Kim Anh cũng trên đường Thống nhất ở gần cầu Bạch hổ. Ba tôi nghĩ đơn giản nhà hộ sinh ở gần nhà tôi, chăm sóc đôi ba ngày cầm máu, Mẹ tôi khỏe rồi về. Nào ai ngờ, nằm 3 ngày ở đây, Mẹ tôi sốt cao và có khi mê man không biết gì. Cô Anh, nữ hộ sinh, nói với chúng tôi là không hề gì, nhưng tôi không yên tâm, bàn với Ba tôi rồi thuê xích lô Bác Phượng chở thẳng qua cấp cứu ở Khoa Sản bịnh viện Trung Ương Huế.

Các bác sĩ hội chẩn kết luận là Mẹ tôi bị sót nhau nên gây ra xuất huyết và sốt cao.

Sáng hôm sau, Mẹ tôi được đưa vào phòng mổ Khoa sản để nạo nhau thai bị sót trong dạ con.

Bác sĩ Lê viết Kiểu phụ trách thủ thuật nạo. Ông là thầy dạy của tôi môn động vật ở lớp Dự bị Đại học khoa học (SPCN). Ông nói, chuyện này nếu đưa đến bịnh viện sớm thì rất dễ nhưng vì đưa qua đây trễ mấy ngày nên trở thành khó. Sau khi làm thủ thuật xong, Mẹ tôi được đưa về phòng hồi sức. Đang kỳ nghỉ hè nên tôi rảnh, tôi ở lại chăm sóc Mẹ tôi cả ngày đêm, mấy em gái thay nhau ban ngày. Nằm hồi sức 3 ngày Mẹ tôi không khá lên chút nào, không ăn uống gì được, sốt cao và thỉnh thoảng mê man. Chỉ bón nước cam và nước cháo với ít muối đường cầm hơi. Thấy Bà suy kiệt tôi trực tiếp gặp Thầy Kiểu cầu cứu. Ông nói rằng, ngày mai Ông xếp lịch phẩu thuật lần nữa, chưa biết kết quả ra sao chứ lần trước, Ông cũng làm kỹ lắm rồi. Hàm ý của Ông là nếu lần này mà không thành công thì Ông cũng bó tay.Suốt đêm đó tôi ở lại bịnh viện không ngủ được, nhìn Mẹ tôi nằm xuội lơ, lòng tôi quặn đau với ý nghĩ lần này Mẹ tôi có thể bỏ gia đình tôi mà đi.

Trong thời gian Mẹ tôi bị nạn, các Đạo hữu trong Khuôn hội Phật giáo Phú Thạnh tổ chức tụng kinh Pháp hoa và lễ cầu an cho Mẹ tôi hằng đêm ( Ba tôi là Ông Lê duy Dung, Chánh thư ký Khuôn hội Phú Thạnh). Trong gia đình tôi, tôi cũng là huynh trưởng và các em tôi là đoàn sinh Gia đình Phật tử. Mọi người đều thành tâm niệm danh hiệu Đức Quan Thế Âm nguyện cầu hồng ân Bồ tát hộ trì cho Mẹ tôi tai qua nạn khỏi.

Suốt đêm mê man nhưng tới gần sáng, Mẹ tôi bỗng nhiên mở mắt, thấy tôi. Mẹ tôi hỏi nước uống, tôi vui mừng vắt cam cho Bà uống. Mẹ tôi dần tươi tỉnh lại và kể: ”Mẹ thấy một người đàn bà khuôn mặt phúc hậu mặc áo màu trắng đứng trên đầu giường đưa tay đặt lên trán Mẹ, chừ Mẹ thấy trong người khỏe ra”. Tôi đưa tay áp trên trán thấy Mẹ tôi không còn sốt nữa.

Đến giờ làm việc, hai nữ y tá đẩy xe băng-ca đến để đưa Mẹ tôi qua phòng mổ. Họ đã theo dõi hàng ngày và biết Mẹ tôi sốt mê man nên định nhấc bổng Mẹ tôi từ giường qua băng-ca. Mẹ tôi nói với họ: ”Thôi tui khỏe rồi, để tui vịn rồi đi bộ cũng được”. Thế rồi Mạ tôi vịn xe băng-ca đi đến phòng mổ như một người bình thường.

Sau phẩu thuật, Mẹ tôi hết sốt. Nằm thêm 3 ngày theo dõi thấy sức khỏe Mẹ tôi hồi phục, Bác sĩ Kiểu ký giấy cho Mẹ tôi xuất viện và chúc mừng Bà tai qua nạn khỏi.

Tính ra từ khi sảy thai, 2 ngày nằm nhà, 3 ngày ở nhà hộ sinh Kim Anh, và 1 tuần ở bịnh viện Trung Ương Huế, Mẹ tôi đã trải qua gần 2 tuần cận kề cái chết.

Người đàn bà phúc hậu mặc áo trắng đứng trên đầu giường đặt tay trên trán Mẹ tôi chắc hẳn là hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm.

2. Mẹ tôi đứng dậy đi và chạy sau thời gian dài bại liệt:

Năm 1965 và năm 1966, Mẹ tôi bị 2 lần sảy thai. Sức khỏe của Bà yếu dần, thường hay có triệu chứng tê dại tay chân. Tôi thường đi với Mẹ tôi đến các nơi Bà điều trị. Tây y thì khám Bác sĩ Bách, Bác sĩ Hà. Đến bịnh viện Trung Ương Huế để chạy điện ( dùng điện kích thích dây thần kinh vận động). Đông y thì đến Thầy Bông, Thầy Viên bốc thuốc. Châm cứu thì nhờ Bác Huyên, con Ôn Phong khuôn trưởng Khuôn hội Phú Thạnh. Dù đi nhiều nơi, chữa nhiều phương cách nhưng bịnh tình không thuyên giảm.

Đến ngày 18/8/1967, Mẹ tôi sinh út gái thì bịnh tê bại của Mẹ tôi trở nặng. Cho đến gần Tết Mậu thân, thì Mẹ tôi bại liệt toàn thân, tiêu tiểu tại chỗ. Mẹ tôi đau khắp cơ thể nên việc chăm sóc cực kỳ khó khăn. Ngay việc xoay trở người Mẹ tôi cũng không tự mình làm được mà phải có người trợ giúp. Tình cảnh Mẹ tôi thật là bi đát, không mong gì chữa trị cho lành bệnh,

Thế rồi, đến sự kiện Tết Mậu thân (1968). Nhà tôi ở khu vực giao tranh, đạn bom vây quanh. Ba tôi và 2 anh em trai chúng tôi đào 2 cái hầm tránh bom đạn. Một cái ngoài nhà, dưới gốc cây đào ( trong Nam gọi là mận). Một cái hầm trong nhà, lấy bao cát chất lên mấy tấm ngựa gõ.

Từ đêm mồng 1 Tết cho đến ngày Rằm tháng giêng, chúng tôi nằm ở nhà chịu đựng. Đến chiều ngày Rằm, thấy bom đạn quá ác liệt, tôi bàn với Ba tôi di tản đến nơi an toàn hơn. Chúng tôi xếp đặt hành lý để sáng hôm sau mỗi người xách 2 giỏ đồ dùng cần thiết chạy tránh bom đạn.

Mẹ tôi bị bại liệt, tối đó, tôi bảo em trai tôi đỡ Bà lên lưng để tôi thử cõng đi. Bước đi đôi ba vòng trong nhà khô ráo thì cũng tạm được nhưng ngoài trời mưa phùn, gió bấc lạnh lẽo, đường bị bom đạn cày xới bùn đất nhão nhẹt, Mẹ tôi lại mập và nặng, tôi e rằng thế nào 2 mẹ con cũng bị té. Trong lòng thấy lo lo nhưng biết làm sao hơn !.

Tối hôm đó, đích thân tôi dìu Bà xuống dưới hầm trong nhà, trấn an Bà nằm yên dưới đó, xong tôi tiếp tục sắp đặt hành lý cho ngày mai đi sớm.

Khoảng 5 giờ sáng hôm sau ( ngày 16- giêng Mậu thân) tôi thức dậy, vô cùng ngạc nhiên thấy Mẹ tôi đã ngồi trên miệng hầm trú ẩn. Tôi hỏi: “ Ai dìu Mẹ lên đây ?” Bà trả lời:” Mẹ tự bò lên chứ có ai dìu mô !” Bà kể tiếp:” Hồi hôm Mẹ thấy Đức Bồ Tát Quan Thế Âm 3 lần, Lần thứ nhất, Ngài ngồi trên tòa sen, lần thứ hai thấy Ngài ngồi trên kiệu như kiệu chùa mình rước Phật Đản rứa, lần thứ ba Mẹ thấy Ngài cỡi hạc bay lên Trời. Lần nào Ngài cũng mỉm cười và lấy cành dương rảy nước Cam lồ xuống người Mẹ. Mẹ chắp tay lạy với theo cho đến khi Ngài bay mất. Mẹ thấy trong người khỏe lắm nên tự bò lên đây”.

Tôi cảm nhận sự Linh ứng Quán Thế Âm đến với Mẹ tôi y như lần trước. Cả nhà tôi ai cũng mừng. Tôi nói với Mẹ tôi :” Cám ơn Trời Phật, để con dìu Mẹ đi thử được không?” Tôi và em trai tôi dìu hai bên. Mẹ tôi nằm bại xuội lâu ngày nên bước đi còn lóng cóng khó khăn nhưng dù sao cũng dìu đi được, đỡ phải cõng. Đặt Bà ngồi bên cạnh đống giỏ xách, Tôi nói:” Rứa là tốt lắm rồi, Mẹ ngồi đây chờ một lát, Con với Ba con sắp dọn một chút rồi đi.”

Hai cha con loay hoay sắp bộ lư đồng, một số đồ tuế nhuyễn vô 2 cái thúng, sửa soạn quang gíóng gánh đi. Quay qua phía Mẹ tôi ngồi, hai cha con phát hoảng. Mẹ tôi và các em xách hành lý đi đâu mất. Tôi chạy vội ra đường nhìn dọc quốc lộ Thống nhất, không thấy bóng ai cả. Lòng tôi phân vân lo lắng vô cùng. Trời mưa phùn, lạnh cắt da, đường sá bùn đất lầy lội như thế này Mẹ tôi đi cách nào đây !?.

Hai cha con đi xuống bến sông Bạch Yến trước nhà. May có chiếc ghe của ai neo ở bến, chúng tôi mượn đỡ rồi chống ghe qua sông. Đang giữa dòng, một chiếc máy bay, bay dọc sông thả xuống một quả bom. May mà bom nổ ở chỗ khá xa nên chúng tôi chỉ hoảng sợ chứ không bị thương.

Chúng tôi đi theo ngã Vạn xuân lên phía nhà thờ rồi lên cầu An ninh hạ. Người chạy loạn rất đông, trong số đó có Mụ Bác là O ruột của Ba tôi. Có người mách cho biết là Mẹ tôi và các em đang ở tạm trong Đại chủng viện Công giáo Kim long. Đây là khu vực rộng lớn, xây dựng từ thời Pháp thuộc, có nhiều tòa nhà lầu và nhà giảng rộng rãi và kiên cố. Gia đình tôi trải chiếu ngồi trên nền nhà giảng cách cửa chính vô ra khoảng 15 mét. Mẹ tôi ngồi đó, thấy Bà khỏe khoắn không có dấu hiệu gì của bệnh bại liệt. Tôi hỏi:” Răng Mẹ lên được đây ?” Các em tôi tranh nhau kể đầy phấn khích:” Ban đầu thì bọn em dìu Mẹ đi, rồi một chặp sau, Mẹ tự đi một mình. Khi lội qua chỗ nước cạn gần nhà Bác Phú thì một chiếc máy bay bỏ bom. Ai cũng hoảng, chạy cuống cuồng. Mẹ cũng chạy luôn. Rứa mới lạ chứ!”. Chắc là Mẹ tôi vùng chạy khi máy bay bỏ bom lúc 2 cha con tôi qua sông.

Ngồi trong nhà giảng tường dày, mái ngói kiên cố như thế nhưng Mẹ tôi có cảm giác bất an. Linh tính như có ai bảo với Mẹ tôi là ở đây nguy hiểm, đi trú chỗ khác đi. Bà cứ nằng nặc đòi dời đi.

Hai cha con đi tìm chỗ ở nhà dòng phía trên gần chợ Kim long thì toàn bộ các phòng ở tầng trệt các tòa nhà kiên cố đều chật kín người, chỉ có chỗ nhà để xe mái lợp tôn gần đường lộ là còn trống. Xung quanh nhà xe không có vách, trên là một mái tôn rung lên bần bật mỗi lần có bom đạn dội.

Tối ngày 16 tháng giêng Mậu thân, gia đình tôi trú tạm ở đó.

Nửa đêm, một tiếng nổ lớn ở phía nhà dòng mà chúng tôi vừa rời đi. Sáng hôm sau, nghe tin báo là nhà giảng bị trúng một quả cà-nông chơm trên nóc đúng vị trí gia đình tôi ngồi hôm trước. Những mảnh đạn giết chết và làm bị thương nhiều người trong hai gia đình Bác Bá ở Cửa Hữu và Bác Khả cách nhà tôi 5 căn nhà. Thật là đau đớn, xót xa.

Từ khi Mẹ tôi bị bại liệt nằm một chỗ, được nước Cam lồ của Bồ tát Quán Thế Âm chữa trị lành bệnh từ ngày 16 tháng giêng năm Mậu thân, cho đến ngày Bà qua đời 29 tháng 3 năm Canh dần (2010) Mẹ tôi không bị bại liệt một lần nào nữa.

3. Kết:

Mẹ tôi là người hiền đức, nhân hậu, ai cũng thương. Khi Bà lâm bịnh nặng, Bồ Tát Quan Thế Âm đã linh ứng chữa lành bịnh cho Bà một cách kỳ diệu .

Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát.

Lê Duy Đoàn

 

 

 

HẠT DỔI TÂY BĂC

Viết một bình luận